Lãi suất vẫn “nặng vai” doanh nghiệp

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng loạt ngân hàng thương mại tham gia cuộc đua giảm lãi suất huy động và cho vay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức giảm trần lãi suất huy động ở các kỳ hạn ngắn và cho vay ở lĩnh vực ưu tiên. Với những DN có nhu cầu vay vốn, tín hiệu đó có thực sự là tin vui hay không?

Khách hàng giao dịch tại VietinBank Chương Dương. Ảnh: Thanh Hải
Ngân hàng đua giảm lãi suất
Đến thời điểm hiện tại BIDV, Agribank, VietinBank đã giảm lãi suất cho vay thêm 0,2 - 0,5%/năm, duy trì chính sách cho vay đối tượng ưu tiên tối đa 5,5%/năm. Riêng Vietcombank, ngoài giảm lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên 0,5%, ngân hàng này còn điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất với các khoản vay thông thường của các DN trong năm 2019.
Cuộc đua giảm lãi suất lan sang ngân hàng nhỏ. ABBank dành hạn mức 2.500 tỷ đồng cho DN nhỏ và vừa vay với lãi vay cố định 3 tháng đầu từ 7,8%/năm hoặc 6 tháng đầu từ 8,3%/năm. Kienlongbank cũng nhập cuộc ưu đãi tín dụng đợt này với việc tung ra gói tín dụng trị giá 600 tỷ đồng. MB dù không có động thái giảm lãi suất cụ thể song đã triển khai gói tín dụng 2.500 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 6,25%/năm cho DN vừa và nhỏ vay, áp dụng với các khoản vay từ 13/11.
Với kết quả kinh doanh 9 tháng công bố cho thấy lợi nhuận nhiều ngân hàng tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ. Đây được xem là tiền đề quan trọng để các ngân hàng quyết định giảm lãi suất mà không quá e ngại ảnh hưởng đến mục tiêu lợi nhuận. Nếu duy trì được đà tăng trưởng huy động tốt như quý vừa qua và thời gian tới đây, kỳ vọng cả lãi suất huy động và cho vay sẽ thiết lập một mặt bằng mới rõ ràng hơn, thấp hơn vào đầu năm 2020.
TS Nguyễn Trí Hiếu
Lãi suất ưu đãi cho các nhóm ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ cũng được giảm theo quyết định của NHNN. Trong khi Nam A Bank áp dụng lãi vay từ 6,5%/năm với các khoản vay dài hạn (36 - 120 tháng), từ 7,5%/năm với các khoản vay trung hạn (từ 24 tháng đến dưới 36 tháng). Vietbank dành 500 tỷ đồng cho DN lĩnh vực sản xuất, thương mại và dịch vụ…, với lãi vay 7%/năm. Mặc dù quyết định giảm lãi suất cho vay và đưa ra các gói tín dụng ưu đãi vào thời điểm còn gần 2 tháng nữa là hết năm, song đại diện nhiều ngân hàng cho biết, sẽ không ảnh hưởng đến kết quả lợi nhuận cổ đông đã giao.
Giảm 1% doanh nghiệp mới có lãi
Ở chiều ngược lại, đối với DN, mức độ giảm 0,5% không tác động lớn. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, các DN dựa rất nhiều vào vốn vay của các ngân hàng, nên chi phí về vốn của các DN rất lớn. Lãi suất cho vay cũng đã rất cao (9 - 11%) nên tác động giảm 0,5% có lẽ không nhiều”- ông Hiếu phân tích. Đồng thời cho rằng giảm lãi suất không có nghĩa tất cả các DN đều được hưởng. Nếu muốn hỗ trợ cho DN thì ít nhất phải giảm 1%.
Trong khi đó, việc các DN có tiếp cận được với nguồn vốn từ các ngân hàng hay không lại là chuyện khác. Giám đốc không ít DN than phiền, nếu DN không có tài sản đảm bảo thì việc tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng không phải là chuyện dễ trong khi phần lớn các DN ở Việt Nam có quy mô nhỏ và siêu nhỏ.
Là một DN mới trong lĩnh vực sản xuất nước uống đóng chai và đi lên từ cơ sở sản xuất nhỏ, chị Nguyễn Thanh Hà (quận Hoàng Mai - Hà Nội) cho hay, DN hiện nay đang muốn mở rộng mặt bằng sản xuất. Tuy nhiên, “Vay ngân hàng hiện nay là không thể vì những gì có được đã thế chấp hết để lấy vốn sản xuất trong thời gian qua” - chị Hà cho hay. Thậm chí, một số DN phản ánh việc vay vốn đang chặt chẽ và khó hơn vì nhiều ngân hàng đã chạm trần tăng trưởng tín dụng nhưng không xin nới thêm room, mà đẩy mạnh mảng bán lẻ để tăng lợi nhuận.
Trưởng phòng Khách hàng bán lẻ của một ngân hàng lớn tại Hà Nội khẳng định, để vay vốn theo lãi suất ưu đãi, các DN vừa và nhỏ cần đảm bảo các điều kiện cho vay về báo cáo tài chính, hoạt động lĩnh vực ngành nghề, báo cáo thuế đầy đủ… Riêng lĩnh vực sản xuất, ngân hàng có các tiêu chí mở rộng, duy trì hay hạn chế cho vay, từ đó xác định lãi suất vay phù hợp đối với các DN.
NHNN vừa ban hành Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Cụ thể, từ ngày 1/1/2020 đến ngày 30/9/2020 tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của các NH vẫn được giữ nguyên mức hiện nay là 40%. Thời hạn này nới thêm hơn 3 tháng so với dự kiến trước đó.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần