Lái xe sau khi uống rượu, bia: Đề xuất thu hồi giấy phép lái xe vĩnh viễn

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xung quanh việc xây dựng Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) năm 2012, một trong những vấn đề được các chuyên gia, Ban soạn thảo đề xuất, có thể thu hồi vĩnh viễn giấy phép lái xe nếu uống rượu, bia.

Cảnh sát giao thông Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn của lái xe trên đường Xuân Thủy. Ảnh: Duy Khánh
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý XLVPHC và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thanh Hà, qua thực tiễn triển khai thi hành Luật, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung một số hình thức xử phạt phù hợp với thực tiễn. Cụ thể, đối với các hành vi vi phạm quy định về sử dụng rượu, bia, ma túy khi điều khiển phương tiện trong lĩnh vực an toàn giao thông, có thể tước hoặc thu hồi vĩnh viễn giấy phép, chứng chỉ hành nghề; buộc lao động phục vụ cộng đồng.
Đồng tình với đề xuất tước hoặc thu hồi vĩnh viễn giấy phép lái xe, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Dương Thành Bắc cho rằng, dư luận lo ngại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia khó khả thi do không có chế tài. Do đó, cần phải nghiên cứu đề xuất tước hoặc thu hồi vĩnh viễn giấy phép lái xe, phải có biện pháp phù hợp, quy định thế nào để đảm bảo tính răn đe. Đây không phải vấn đề mới mà đề xuất này đã nâng lên đặt xuống rất nhiều.

Trong khi đó, ông Trương Khánh Hoàn (Vụ Pháp luật hình sự hành chính, Bộ Tư pháp) đề nghị cân nhắc kiến nghị này. Việc tước hoặc thu hồi vĩnh viễn giấy phép lái xe chỉ trong mỗi lĩnh vực giao thông hay mở rộng cả các lĩnh vực khác, muốn áp dụng hình thức này phải có điều kiện. “Để đảm bảo an toàn giao thông, nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng cũng có thể bị xử lý hình sự. Đối với việc buộc lao động phục vụ cộng đồng, cần phải làm rõ việc tổ chức thi hành thế nào? Ai sẽ giám sát và vấn đề này có thể vi phạm công ước quốc tế về lao động cưỡng bức?” - ông Hoàn chia sẻ.

Một trong những thực trạng hiện nay được các chuyên gia đặt ra, đó là người có thẩm quyền XLVPHC, nếu căn cứ biên bản vi phạm hành chính để ra quyết định thì hầu hết quá thời hiệu xử lý. Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Du cho hay, nhiều trường hợp lập biên bản vi phạm hành chính nhưng người có thẩm quyền còn phải báo cáo, xác minh, giám định mới có thể ra quyết định xử phạt. Do đó, lần sửa đổi này cần tập trung về thời hiệu ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, lập biên bản để người có thẩm quyền có căn cứ áp dụng.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị Luật XLVPHC cần quy định cụ thể về đặc thù của địa phương, các vấn đề xử lý được ở mức nào bởi quá trình xây dựng Luật Thủ đô khi Hà Nội đề xuất một số quy định đặc thù đã có nhiều quan điểm khác nhau. Ngoài ra, phải nghiên cứu xử lý thế nào đối với thực trạng ban hành quyết định xử phạt trong thời hạn cho phép nhưng đối tượng bị phạt có khiếu nại và vì lý do nào đấy, người bị khiếu nại không nhận được quyết định xử phạt. Đến lúc nhận được khiếu nại thì cơ quan chức năng buộc phải xem xét lại, dẫn đến tồn rất nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa được thi hành.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần