Lạm dụng kháng sinh điều trị viêm đường hô hấp: Tiền mất tật mang

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Viêm đường hô hấp là căn bệnh phổ biến trong cộng đồng, đặc biệt khi thời tiết giao mùa.

Vậy nhưng, phần đông người dân thường tự điều trị tại nhà bằng kháng sinh mà không có chỉ định của bác sĩ. Đây là sai lầm lớn khiến bệnh không khỏi mà càng làm gia tăng tình trạng kháng thuốc trong cộng đồng.
Cứ ho là uống kháng sinh

Hơn 10 ngày, anh Lê Mạnh T. (Hai Bà Trưng, Hà Nội) luôn có cảm giác ngứa ở cổ họng và ho. Nhất là về đêm, khi nằm ngủ anh T. phải gằn giọng ho để hết cảm giác ngứa, khó chịu trong họng. Đây không phải lần đầu anh T. có các biểu hiện như vậy, những lần trước, anh thường ra hiệu thuốc gần nhà để mua kháng sinh cùng thuốc chống viêm dùng vì cho rằng mình bị viêm họng. “Mọi lần tôi cứ uống kháng sinh khoảng 3 ngày là khỏi nhưng lần này tôi uống đến 10 ngày, đổi sang cả kháng sinh nặng Zinnat nhưng những cơn ho vẫn không dứt. Đi khám thì mới biết mình bị ho do trào ngược thực quản chứ không phải viêm họng” – anh M. cho hay.
Nội soi tai mũi họng cho bệnh nhân bị ho kéo dài. Ảnh: Trần Nga
Thận trọng giữ ấm vùng cổ khi ra ngoài và ban đêm thường xuyên đeo khẩu trang mỗi khi ra đường, nhưng khi tiết trời bắt đầu se lạnh là bà Phạm Minh L. (Thanh Xuân, Hà Nội) lại viêm họng, đau rát, không nuốt được. Cũng giống anh T., mỗi lần mắc bệnh, bà L. tự mua thuốc về điều trị. Không chỉ người lớn, nhiều cha mẹ khi thấy con ho, sổ mũi liên tục đều tự ý đi mua thuốc điều trị cho chọn, thậm chí nhiều người còn sử dụng 2 - 3 nhóm kháng sinh cùng lúc để con nhanh khỏi bệnh. Việc lạm dụng kháng sinh điều trị các bệnh hô hấp đã trở thành thói quen của nhiều người và là mối nguy hại cho cộng đồng khi tình trạng kháng kháng sinh đang ngày càng đáng báo động.

70% người bệnh điều trị sai

Bác sĩ Phạm Tuấn Cảnh – Bệnh viện Tai Mũi Họng T.Ư cho biết, viêm đường hô hấp có nhiều nguyên nhân, thường là do virus (chiếm 70 - 80%), do vi khuẩn (chiếm 20 - 30%), nấm và vi khuẩn không điển hình... Trong khi đó, nếu viêm họng do virus không cần phải uống kháng sinh mà chỉ cần súc họng và điều trị triệu chứng. Sốt chỉ uống thuốc hạ sốt, ho thì dùng thuốc giảm ho, chỉ khi viêm họng do vi khuẩn mới dùng kháng sinh. Việc lựa chọn kháng sinh nào hãy để bác sĩ kê đơn, mỗi một loại viêm, mỗi một con vi khuẩn điều trị bằng một loại kháng sinh khác nhau. “Như vậy, khoảng 70 – 80% bệnh nhân viêm đường hô hấp do virus mà tự ý điều trị kháng sinh nghĩa là đã lạm dụng kháng sinh. Bệnh nhân cũng không thể tự phân biệt được đâu là viêm do virus đâu là viêm do vi khuẩn. Nếu bệnh nhân tự mua thuốc tự uống sẽ làm cho cơ thể phải dùng kháng sinh không cần thiết, gây ra tình trạng kháng kháng sinh” - bác sĩ Cảnh nhấn mạnh.

Bác sĩ Phạm Tuấn Cảnh khuyến cáo, những bệnh nhân thường xuyên bị ho phải tìm nguyên nhân gây bệnh để điều trị tận gốc, như viêm xoang phải điều trị bệnh xoang, nếu do thuốc lá người bệnh cần bỏ hút thuốc hoặc là uống thuốc tránh trào ngược nếu bị trào ngược dạ dày. Khi mắc bệnh, nước muối súc miệng nên mua nước muối sinh lý 9/1000, bởi nếu tự pha nước muối có thể quá mặn gây tổn thương đến họng. Để phòng bệnh, cách tốt nhất cần hạn chế ăn đồ lạnh nhất là vào mùa nóng, giữ ấm cổ, cũng không nên ăn đồ quá nóng, các thực phẩm cay, mặn cần kiêng ăn bởi đây là những thực phẩm có thể làm tổn thương lớp niêm mạc ở họng gây viêm họng, viêm amidan. “Việc tìm nguyên nhân và phác đồ điều trị khi bị viêm đường hô hấp hoàn toàn có thể thực hiện ở các bệnh viện tuyến huyện, do vậy người dân tuyệt đối không tự điều trị bằng kháng sinh khi chưa có trị định của bác sĩ” – bác sĩ Cảnh nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần