Lạm dụng nhân sâm, hậu quả khó lường

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhân sâm là vị thuốc quý nên trước đây chỉ được dùng bồi bổ khi cơ thể yếu. Ngày nay điều kiện kinh tế cho phép, nhiều người thường hãm nhân sâm dùng thay nước uống hằng ngày mà không biết việc lạm dụng nhân sâm có thể gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng.

Quá liều, nhiều biến chứng
Ông Nguyễn Văn Khanh, 78 tuổi (phường Bưởi, Tây Hồ, Hà Nội) đi khám Đông y vì gần đây thường thấy đau đầu, hoa mắt, chóng mặt. Sau khi thăm khám, hỏi bệnh, bác sĩ khuyên ông nên dừng lại việc uống nước trà sâm hàng ngày. Theo bác sĩ, ông bị thiếu máu, tăng huyết áp, dùng sâm nhiều dễ xảy ra tai biến nguy hiểm.
 Ảnh minh họa.
Còn chị Nguyễn Thúy Anh (Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội) đến giờ vẫn còn sợ khi có người nhắc tới sâm. Bởi dịp Hè vừa qua, con trai chị 3 tuổi bị táo bón, mẩn ngứa, mọc mụn, nghe mọi người mách bảo, chị mua trà sâm cho con uống với mục đích “bổ hư thanh nhiệt”. Sau hơn một tuần uống trà sâm, con chị hết mẩn ngứa, đỡ táo bón, nhưng uống liên tục gần một tháng, bé bị đau bụng, tiêu chảy nặng. Đi khám, bác sĩ cho biết, nguyên nhân là do con chị uống quá nhiều trà sâm.

Lương y Vũ Quốc Trung - Hội Đông y Việt Nam cảnh báo, trước đây sâm quý hiếm nên người ta chỉ mua về bồi bổ mỗi khi cơ thể yếu, mệt. Nhưng hiện nay, sâm đã trở thành một thứ bình dân được bày bán khắp nơi mọi chốn với đủ các chủng loại, từ chè tan liền, chè túi lọc, tinh chất, bột nhân sâm, sâm củ, sâm lát, trà sâm... được nhập từ Hàn Quốc, Trung Quốc và cả hàng trong nước sản xuất. Nhiều gia đình mua làm nước uống hàng ngày cho cả gia đình, kể cả trẻ nhỏ mà không biết tác hại của nó.

Bác sĩ Hoàng Khánh Toàn - Chủ nhiệm Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho hay, trong nhân sâm chứa hơn 15 yếu tố vi lượng, có tác dụng chống mệt mỏi, tăng sức đề kháng, thúc đẩy công năng của tuyến sinh dục nam và nữ, tăng khả năng ghi nhớ và năng lực phân tích... Nhưng nhân sâm nói riêng và thuốc Đông y nói chung đều mang tính thiên lệch, có thứ thiên hàn, có thứ thiên nhiệt, có thứ bổ âm, có thứ bổ dương, bổ khí, bổ huyết khác nhau. Chẳng hạn, nếu tùy tiện dùng nhân sâm cho trẻ có thể khiến trẻ phát dục sớm, nhất là những bé trai ở độ tuổi từ 13 - 16 tuổi. Hơn nữa, nhân sâm còn khiến trẻ bị rối loạn đường tiêu hóa, thần kinh không bình thường, lâu dài dẫn đến mất ngủ và dễ bị kích động. Sử dụng nhân sâm với liều lượng cao có thể xảy ra các biến chứng nặng, đặc biệt là viêm động mạch não, bệnh nhân xuất hiện những cơn đau đầu dữ dội, nôn chỉ sau vài giờ sử dụng.

Dị dạng thai nhi

GS.TS Hoàng Bảo Châu - nguyên Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Việt Nam cho biết, nhân sâm đứng đầu trong các vị thuốc bổ nhưng vẫn là thuốc, nên không phải muốn dùng thế nào cũng được và không phải ai dùng cũng tốt. Việc dùng tùy tiện có thể biến bệnh nhẹ thành nặng, nặng thành nặng hơn. Một số người dùng nhân sâm và chế phẩm của nó liều cao, hoặc quá dài ngày, dẫn đến ngộ độc với biểu hiện tăng huyết áp, chảy máu mũi, thần kinh hưng phấn quá độ, nổi mề đay, mẩn ngứa, thậm chí co giật... Y học gọi những triệu chứng này là “hội chứng ngộ độc nhân sâm”.

Nghiên cứu cho thấy, nếu người lớn uống rượu sâm nồng độ 3%, khoảng 100ml thì có cảm giác hưng phấn không yên, uống 200ml có biểu hiện trúng độc (mẩn đỏ toàn thân, ngứa, chóng mặt, đau đầu, thân nhiệt tăng, chảy máu). Từng có một trường hợp tử vong do uống 500ml rượu sâm. Trẻ đang bú mẹ uống nước sắc sâm cao ly có thể có biểu hiện quấy khóc, phiền táo, u uất, mặt bệch rồi tím tái, cơ mày giật, thở gấp, tim đập chậm, tiếng tim mờ, nôn. Người lớn uống liên tục mỗi ngày 0,3g bột sâm củ có thể mất ngủ, trầm uất, giảm cân; nếu dùng liều cao có thể làm đường huyết giảm rõ, lực bóp của cơ tim bị ức chế, huyết áp hạ rõ rệt.

Lương y Vũ Quốc Trung cảnh báo, tuyệt đối không dùng sâm cho phụ nữ có thai, bởi trong thành phần của sâm có chất gingsenoside Rb1 có thể gây dị dạng thai ở chuột thí nghiệm. Một số biến chứng khác khi dùng nhân sâm cũng đã được ghi nhận như: Hội chứng hồng ban đa dạng với các tổn thương niêm mạc chung quanh các hốc tự nhiên (miệng, mắt, bộ phận sinh dục...). Các biểu hiện về hô hấp và thể trạng chung của người bệnh cũng có thể bị ảnh hưởng nặng nề. Bởi vậy, khi mọi người muốn sử dụng nhân sâm cần phải hết sức thận trọng. Đặc biệt, người bệnh nếu sử dụng, nên hỏi ý kiến bác sĩ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần