Làm gì để duy trì hiệu quả trật tự giao thông?

Công Trình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 10 ngày Mệnh lệnh 02 của Giám đốc Công an TP Hà Nội được triển khai đến toàn lực lượng, bộ mặt đô thị tại Thủ đô đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, để tạo hiệu ứng mạnh hơn, vẫn nên cho phép lực lượng CSGT xử phạt các lỗi vi phạm về trật tự ATGT.

 Cảnh sát giao thông kiểm tra xử phạt lái xe vi phạm trên đường Đào Tấn theo Mệnh lệnh 02. Ảnh: Phạm Hùng
Tại Mục 2.1, Mệnh lệnh 02, Giám đốc Công an TP Hà Nội nghiêm cấm cán bộ, chiến sĩ công an các đơn vị, quận, huyện, thị xã thành lập các chốt kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự ATGT. Đáng chú ý, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tổ chức, phân luồng, hướng dẫn giao thông, lực lượng CSGT không được tham gia xử lý vi phạm về trật tự ATGT. 
Có thể nói, sau những bê bối xảy ra với một số cá nhân trong lực lượng CSGT thời gian qua, đây là việc cần thiết để ngăn chặn hành vi xấu trong quá trình làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, "lệnh cấm" này lại khiến các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ có chiều hướng gia tăng.

Như Kinh tế & Đô thị phản ánh, tại ngã tư Tôn Thất Tùng – Trường Chinh, theo quy định, các phương tiện khi di chuyển theo hướng Lê Trọng Tấn – Trường Chinh (hướng đi Ngã tư Sở) sẽ phải dừng đúng làn đường đã được ngăn cách bằng dải phân cách cứng.
Tuy nhiên, vì ngại chờ đèn đỏ, tránh những xung đột tại trung tâm nút giao, nhiều trường hợp đã cố tình đi vào làn đường ngược chiều hướng từ Tôn Thất Tùng đi Lê Trọng Tấn gây cản trở, mất ATGT. Đây cũng là tình trạng đã và đang diễn ra tại nút giao thông Cát Linh – Tôn Đức Thắng. Hay tại nút Thái Hà – Hoàng Cầu, mặc dù có biển cấm các phương tiện di chuyển từ phố Thái Hà rẽ trái vào phố Hoàng Cầu, nhưng sau mỗi nhịp đèn, hàng chục phương tiện lại nối đuôi nhau vi phạm. Đó là chưa kể đến hàng loạt trường hợp đầu trần diễu phố ngang nhiên đánh võng trước mắt lực lượng chức năng.
Trước đây, những lỗi vi phạm trên bị xử lý nhiều, nhưng trong thời gian này, khi lực lượng CSGT không được phép lập chốt, hay xử lý vi phạm trong quá trình tổ chức phân làn giao thông đã khiến các vi phạm có chiều hướng gia tăng.

Nói như vậy là bởi, theo tài liệu cung cấp cho báo chí của Phòng CSGT, trong 4 ngày từ 13 – 16/3 trước thời điểm Mệnh lệnh 02 có hiệu lực, lực lượng CSGT đã xử lý 4.516 trường hợp vi phạm Luật Giao thông. Trong đó, ngày 13/3 là 1.120 trường hợp, ngày 14/3 là 1. 283 trường hợp, ngày 15/3 là 1.194 trường hợp và ngày 16/3 là 919 trường hợp. Thế nhưng, từ ngày 23 – 26/3, khi Mệnh lệnh 02 có hiệu lực, số trường hợp vi phạm Luật Giao thông bị xử lý đã giảm khoảng 50%, còn 2.225 trường hợp. Trong đó, từ 23 – 26/3 số vi phạm lần lượt bị xử lý là 580 trường hợp, 625 trường hợp, 480 trường hợp và 550 trường hợp.

Có lẽ vì thế, khi trao đổi vấn đề này, không ít chuyên gia giao thông cho rằng, trong khi ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế, thì quy định xử phạt hành chính được coi là biện pháp hữu hiệu để tạo chuyển biến tích cực trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ.
Cho nên có thể quy định cấm lực lượng CSGT lập chốt xử lý vi phạm sẽ khiến các hành vi vi phạm về trật tự ATGT tăng lên. Thậm chí, có người còn cho rằng, việc cấm lực lượng CSGT lập chốt sẽ hạn chế sức chiến đấu, hiệu quả trong công tác phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương. Bởi trong quá trình làm nhiệm vụ, từ tuần tra kiểm soát đến thực hiện các chuyên đề, lập chốt, lực lượng CSGT Thủ đô đã phát hiện và bàn giao cho các cơ quan chức năng xử lý hành ngàn vụ việc, đối tượng tàng trữ ma túy, vũ khí nóng, thậm chí là các đối tượng bị truy nã đặc biệt nguy hiểm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần