Tiến sĩ Đinh Thế Hiển. |
Theo Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, rõ ràng hiện nay diện mạo của nền kinh tế đã khác rất nhiều so với vài chục năm trước, chúng ta có các loại hình DN, công ty cổ phần, chúng ta có thị trường chứng khoán... Những điều này giúp nền kinh tế có một quy mô mới to lớn hơn. Nhờ có loại hình công ty cổ phần, DN có thể huy động vốn trên thị trường chứng khoán, thay đổi quy mô sản xuất...
Hiện nay chúng ta đã có những DN có quy mô rất lớn, tầm vóc quốc tế như Thaco, Vinamilk, Hòa Phát, Vingroup... KTTN hiện nay giải quyết được 60% việc làm cho xã hội, trong khi đó năm 2000, KTTN chỉ giải quyết được 26% việc làm. KTTN hiện nay đóng góp cho GDP tạm tính là khoảng 60% (chưa kể nông nghiệp). So với đồng vốn bỏ ra đầu tư hiệu quả mang lại lớn hơn khá nhiều so với kinh tế nhà nước, nhất là các việc làm mới tạo ra trên đồng vốn đầu tư cũng như giá trị ICOR...
Bức tranh chưa hẳn là màu sáng
Rất nhiều chuyên gia khi nhận định về KTTN ở Việt Nam bên cạnh sự lạc quan như ông vừa đề cập thì vẫn còn một sự ưu tư rất lớn. Dưới góc độ của một Tiến sĩ kinh tế, ông ưu tư điều gì nhất khi nhìn vào bức tranh KTTN hiện nay?
- Nếu nhìn về mặt thành công thì kinh tế Việt Nam đã có những DN có quy mô rất lớn như Trường Hải (Thaco), Vinamilk, Hòa Phát, Vingroup... Quy mô của những DN lớn của Việt Nam có thể nói là lớn hơn nhiều so với một số tập đoàn kinh tế của Hàn Quốc, Đài Loan cách đây 20 năm. Tuy nhiên, tôi thấy KTTN chủ yếu tăng trưởng trên chiều rộng, chưa thực sự đột phá trên chiều sâu. Vinamilk được xem là DN ứng dụng hiệu quả công nghệ vào sản xuất kinh doanh, với một tổng kho tự động hóa hiện đại không thua các công ty lớn nước ngoài, đem lại năng sất cao và chi phí giao nhận thấp.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là ứng dụng chuyển giao công nghệ quản lý kho tiên tiến nước ngoài, chứ chưa có đầu tư phòng Lab nghiên cứu chuyên sâu về các sản phẩm dinh dưỡng vi sinh như các công ty sữa lớn trên thế giới; Trường Hải trở thành công ty lớn về lắp ráp ô tô, nhưng không đi vào nghiên cứu chế tạo chuyên sâu để làm chủ từng phần công nghệ sản xuất ô tô như Huyndai, Daewoo đã làm ở trong giai đoạn mà quy mô và nguồn vốn của họ còn nhỏ hơn TH hiện nay... Nếu nhìn sự phát triển của các công ty tư nhân lớn của Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc trong quá trình phát triển 20 - 30 năm qua, nhiều công ty đã có sự lột xác liên tục về chiều sâu, tự làm chủ một số công nghệ cốt lõi trong sản phẩm của mình và vươn ra cạnh tranh thế giới với quy mô không bằng các DN lớn của Việt Nam hiện nay.
Nhận định này để cho thấy những DN tư nhân lớn và thành công hiện nay tại Việt Nam chỉ mới ở chiều rộng, thắng trên thị trường nội địa, nhưng chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới; thậm chí các DN Việt Nam vẫn đang lo hàng Thái Lan sẽ lấn át hàng nội địa khi thuế quan ASEAN hoàn toàn được gỡ bỏ theo lộ trình.
Một ưu tư khác, 97% số DN tư nhân ở Việt Nam là DN nhỏ và vừa, trong đó trên 60% là siêu nhỏ theo đúng nghĩa đen tức là "vốn nhỏ, doanh thu nhỏ, công nghệ nhỏ". Trong khi ở Nhật Bản tuy số DN SME nhỏ và siêu nhỏ chiếm khoảng 70%, nhưng nhiều công ty đó chỉ nhỏ ở quy mô nhà xưởng và nhân công, nhưng doanh thu họ không hề nhỏ, đặc biệt công nghệ và sản phẩm của họ đủ sức cạnh tranh với các công ty lớn trên thế giới.
Nhìn một cách tổng quan, DN lớn của Việt Nam hiện nay chưa thực sự mạnh dạn đầu tư công nghệ cốt lõi, không chủ động chuỗi xây dựng cung ứng giá trị theo mô hình hiện đại; do vậy sẽ rất dễ bị thua cuộc khi cạnh tranh với DN nước ngoài trên thị trường thế giới. Còn các DN nhỏ và vừa thì chưa tận dụng tốt vấn đề liên kết, hợp tác, các cơ hội của nền kinh tế 4.0; nhiều DN vẫn kinh doanh với công nghệ thô sơ mang tính tự phát, không chủ động có chiến lược dài hạn, thiếu sự phát triển dựa trên chọn lựa ưu thế cá nhân hoặc nhóm ưu thế vùng miền.
Chỉ trong vòng một thập niên, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều tập đoàn KTTN của Việt Nam lớn nhanh như Thánh Gióng và rồi sụp đổ, thưa ông đâu là gốc rễ của câu chuyện này?
- Phải hiểu sự mong manh của DN Việt Nam dưới 3 góc cạnh. Yếu tố mong manh đầu tiên đó là DN phục vụ xuất khẩu hay tiêu thụ nội địa hiện nay môi trường kinh doanh còn kém cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Chắc chắn rằng, một công ty làm hàng xuất khẩu ở Thái Lan khi xuất một container hàng đi Mỹ chi phí phải trả thấp hơn một công ty ở Việt Nam và thời gian cũng ngắn hơn. Mong manh có thể hiểu là sức cạnh tranh yếu hơn.
Mong manh thứ 2 đó là mong manh về nguồn vốn, các DN lớn thường thâm dụng vốn ngân hàng. Các ngân hàng thường tập trung vào DN nhà nước và các công ty cổ phần quy mô lớn nên là các DN nhỏ và vừa sẽ bị hạn chế nguồn vốn. Một khi có những sự thay đổi về chính sách tiền tệ và tín dụng quốc gia theo hướng thắt chặt tiền tệ thì DN sẽ gặp khó khăn về vốn và suy sụp ngay lập tức.
Mong manh thứ ba đó là các ông chủ vẫn chưa thực sự có niềm tin và ứng dụng hiệu quả mô hình quản trị hiện đại. Rất nhiều công ty tôi biết, thời gian đầu rất "ngon lành" nhưng sau đó cứ đuối dần, mất khả năng cạnh tranh khi điều kiện thay đổi, gặp môi trường bất lợi; đơn giản là họ vẫn giữ mô hình quản trị kiểu cũ dạng gia đình lúc công ty còn nhỏ cho những giai đoạn công ty tăng quy mô, mở rộng, đòi hỏi mô hình quản trị tổ chức và phân quyền chuẩn hơn...
Nhiều DN cứ mãi sử dụng lợi thế sân nhà, sản xuất hàng hóa phục vụ trong nước ở thế "độc quyền tương đối" mà không có bước chuẩn bị khi nền kinh tế mở cửa, hội nhập; rồi dần dần họ cảm thấy kinh doanh ngày càng khó khăn, cho đến lúc nhận ra cần phải thay đổi thì đã muộn, hoặc không biết cần thay đổi như thế nào..., nhiều công ty lớn nội địa sụp đổ do không chịu “tiến hóa” là điều không tránh khỏi.
Doanh nghiệp cần hỗ trợ như thế nào?Ông đánh giá như thế nào về tính hiệu quả trong việc hỗ trợ DN hiện nay?
- Sự hỗ trợ hiện nay ở Việt Nam rất đa dạng, từ việc nghiên cứu chính sách hỗ trợ vốn, hỗ trợ các chính sách ưu đãi, hỗ trợ khả năng tiếp cận đất đai, xúc tiến thương mại... Theo tôi, có nhiều hình thức hỗ trợ không phù hợp với nguyên tắc của kinh tế thị trường hội nhập. Cần nhớ việc hỗ trợ là hữu hạn, không đáp ứng được mọi DN, ví dụ hỗ trợ vốn và đất đai. Do đó sự hỗ trợ chỉ đến được một số đối tượng nhất định; vô tình nó tạo ra những DN lớn không từ năng lực cạnh tranh hiệu quả, và làm thui chột những DN nhỏ sáng tạo nhưng không đủ sức chiến đấu với những DN lớn hơn mà còn có sự ưu đãi của Nhà nước.
Theo tôi, nên hạn chế tối đa việc hỗ trợ trực tiếp đến DN như ưu đãi vốn, mặt bằng..., bởi nó sẽ dẫn đến cái gọi là cơ chế XIN – CHO, thân hữu... không tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, không tạo ra sức cạnh tranh đích thực của DN trên thị trường Việt Nam và quốc tế.
Tôi nghĩ, sự hỗ trợ tốt nhất dành cho DN tư nhân đó là Chính phủ tập trung làm lành mạnh môi trường kinh doanh, kinh doanh dễ dàng, chi phí hợp lý, như slogan "Chính phủ kiến tạo" là rất thích hợp. DN biết cái gì mình được hưởng đương nhiên và cái gì DN phải chủ động; chẳng hạn thủ tục A làm bao nhiêu ngày, thuế hợp lý, không bị chồng chéo, vận chuyển một container hàng từ nhà máy đến cảng phải trả những loại phí nào... tất cả đều phải rõ ràng hướng tới phục vụ cho cộng đồng DN.
Khi DN có môi trường kinh tế tốt, tạo ra từ Chính phủ thì họ mới đủ sức tính đến những việc kinh doanh sáng tạo và cạnh tranh như chọn lựa sản xuất mặt hàng nào, phân khúc thị trường nào... Nói tóm lại, đối với DN kinh doanh thật sự, điều họ cần nhất là môi trường kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh công bằng và được hướng các dịch vụ công với chi phí hợp lý nhất, thủ tục kinh doanh đơn giản nhất, thuận lợi nhất...
Nhìn lại lịch sử hình thành các tập đoàn KTTN hùng mạnh của một số quốc gia, vẫn thấy bóng dáng có một sự hỗ trợ nhất định từ Chính phủ, điều này có mâu thuẫn gì với câu chuyện kinh tế thị trường không thưa ông?
- Tôi nghĩ điều này là không có gì là mâu thuẫn. Nhìn lại lịch sử hình thành các tập đoàn KTTN hùng mạnh của Hàn Quốc, vai trò hỗ trợ của chính phủ có sự khác biệt so với sự hỗ trợ ở Việt Nam đối với các tập đoàn trong giai đoạn vừa qua (2006 - 2015). Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ trên kết quả của DN chứ không phải hỗ trợ khi bắt đầu.
Tập đoàn Huyndai lúc đó là công ty nhỏ chỉ nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước khi ông chủ công ty trực tiếp qua Anh quốc và thuyết phục được công ty đóng tàu của Anh quốc chuyển giao việc đóng tàu cho Huyndai; và sau đó Chính phủ mới hỗ trợ vốn... Ở đây phải hiểu là sự trợ giúp của Chính phủ giúp một DN tư nhân tăng thêm lực dựa trên các kết quả kinh doanh sáng tạo đã có của DN. Sự khác biệt ở đây là sự chủ động của DN và tạo khả năng cạnh tranh quốc tế, chứ không phải là "công ty thống trị thị trường nội địa".
Trở lại câu chuyện hỗ trợ ở Việt Nam, tôi nghĩ Chính phủ cũng nên có hình thức hỗ trợ DN công nghệ, công nghiệp có thể tạo ra giá trị lan tỏa, tạo ra chuỗi giá trị cung ứng là môi trường để các DN khác dựa vào. Chẳng hạn một DN công nghệ, công nghiệp họ có những sản phẩm cạnh tranh tầm vóc quốc tế, xoay quanh họ là các DN phụ trợ... cung cấp nguyên vật liệu.
So với sự hỗ trợ DN tư nhân của Hàn quốc thì hỗ trợ của Mỹ được xem là tốt hơn, phù hợp với kinh tế thị trường hơn. Sự hỗ trợ thường đến từ các quỹ đầu tư mạo hiểm và các quỹ đầu tư vào các công ty tiềm năng chưa niêm yết. Với những công ty nhỏ khởi nghiệp từ công nghệ, cần sự hỗ trợ để phát triển nhanh, thì các quỹ đầu tư mạo hiểm của Mỹ (veture capital) sẵn sàng rót vốn, miễn là DN có ý tưởng sáng tạo, tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh cao; rất nhiều công ty star up Mỹ trở thành khổng lồ chỉ sau mười năm khởi nghiệp như Microsoft, Google, Amazon, HP...
Ở Việt Nam chưa thực sự có các quỹ đầu tư mạo hiểm như ở Mỹ. Hiện nay, nguồn vốn chủ yếu từ ngân hàng; nhưng ngân hàng hỗ trợ vốn có những nguyên tắc dựa trên sự an toàn của nguồn vốn nên nguồn vốn đối với những công ty star up là một vấn đề còn chưa có lối ra. Do vậy, xét trên yếu tố vốn hỗ trợ cho DN công nghệ dạng star up, thì có thể cần có sự hỗ trợ một phần từ nhà nước như Quốc gia Irael đã làm rất hiệu quả.
Làm thế nào để có thể hình thành một thị trường vốn như nước Mỹ có thể hỗ trợ DN, đặc biệt là các DN có ý tưởng sáng tạo, sản phẩm cạnh tranh?
- Đây là một câu chuyện con gà và quả trứng, rất khó trả lời con gà có trước hay quả trứng có trước. Theo tôi, nếu Chính phủ làm tốt công việc bảo hộ bản quyền, hàng gian, hàng giả không có đất sống thì tự nhiên sẽ xuất hiện những quỹ đầu tư và họ sẽ sẵn sàng đầu tư vào sản phẩm tiềm năng. Sáng tạo sản phẩm mới, phải có 3 điều kiện: (1). con người sáng tạo, mạnh dạn, không đi theo lối mòn; (2). môi trường kinh doanh phải được bảo vệ; sở hữu trí tuệ chống hàng gian, hàng giả phải được thực hiện nghiêm ngặt và (3). là vốn đầu tư mạo hiểm; trong đó yếu tố 2 là điều kiện cần, yếu tố 1 là điều kiện đủ; một khi đã có 1 và 2 thì yếu tố 3 sẽ có, các quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ xuất hiện.
Không một DN nào, quỹ đầu tư nào dám đầu tư vào một sản phẩm mà chỉ vài ngày xuất hiện trên thị trường đã có ngay hàng giả, hàng nhái, đó là nguyên nhân khá quan trọng vì sao các Quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ đã xuất hiện khá nhiều vào đầu những năm 2000 nhưng sau đó đã rút lui khỏi thị trường Việt Nam...
Hiện nay, tôi nhận thấy Chính phủ đã ban hành khá đầy đủ về bảo vệ sở hữu trí tuệ cũng như có nhiều lực lượng xử lý hàng gian, hàng giả. Nhưng vấn đề ở chỗ chính quyền địa phương vẫn chưa thực sự mạnh tay. Cần nhận thức trách nhiệm xử lý hàng gian là của chính quyền chứ không phải của DN, chính quyền phải đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh. Muốn DN phát triển thì không thể tồn tại chuyện trà trộn, gian dối mà vẫn sống ung dung, trong khi những người khác nỗ lực làm ra các sản phẩm chất lượng, đột phá lại không thể tồn tại.
Xin cảm ơn ông !
Theo tôi, nên hạn chế tối đa việc hỗ trợ trực tiếp đến DN như ưu đãi vốn, mặt bằng..., bởi nó sẽ dẫn đến cái gọi là cơ chế XIN - CHO, thân hữu... không tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, không tạo ra sức cạnh tranh đích thực của DN trên thị trường Việt Nam và quốc tế. Tiến sĩ kinh tế Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế Ứng dụng (IIB) - Chủ tịch Ban đại diện Quỹ đầu tư cổ phiếu và trái phiếu Manulife. Từng làm việc tại các tổ chức tài chính lớn tại TP Hồ Chí Minh:- Thành viên Hội đồng đầu tư và Ủy ban chiến lược Eximbank.- Phó phòng Thẩm định Quỹ Đầu tư Phát triển đô thị TP Hồ Chí Minh.- Trưởng Khoa CNTT và Tài chính Ngân hàng trường Đại học Gia Định.- Thực hiện tư vấn chiến lược và đào tạo quản trị cho nhiều DN lớn tại TP Hồ Chí Minh.- Đã xuất bản nhiều quyển sách về đầu tư và quản trị tài chính DN, thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu kinh tế cho TP Hồ Chí Minh và các địa phương. |