Làm gì để nâng chuẩn giáo viên?

Nhi Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục mà Bộ GD&ĐT vừa trình Quốc hội có nội dung nâng chuẩn giáo viên (GV) tiểu học, THCS. Nếu được thông qua, sẽ có gần 239.000 GV (tương đương khoảng 40%) GV chưa đạt chuẩn.

Nhiều ý kiến cho rằng, đây là giải pháp quan trọng, mang tính đột phá để nâng cao chất lượng GD&ĐT, trước hết là ở 2 cấp học nền tảng là tiểu học và THCS. Điều này phù hợp với xu thế chung ở nhiều nước là GV phổ thông dù dạy ở lớp nào, cấp nào đều phải có trình độ đại học và nghiệp vụ sư phạm. Tuy nhiên, nếu đề xuất này được Quốc hội thông qua thì đây sẽ là một nhiệm vụ rất nặng nề đối với ngành giáo dục bởi sẽ phải đào tạo lại để đạt chuẩn một số lượng rất lớn GV hiện mới chỉ có trình độ trung cấp hoặc cao đẳng sư phạm. Đồng thời, ngành giáo dục cũng sẽ phải tổ chức, sắp xếp lại mạng lưới các trường sư phạm, một nhiệm vụ không hề đơn giản, nhất là đối với các trường cao đẳng sư phạm ở các địa phương.

Trước thông tin này, nhiều GV tiểu học và THCS tỏ ra lo lắng khi chưa có bằng đại học, đặc biệt là các thầy cô ở vùng sâu, vùng xa. Về vấn đề này, ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, song hành với nâng chuẩn trình độ đào tạo, Bộ GD&ĐT xây dựng quy định đảm bảo quyền lợi đối với GV và đưa ra lộ trình phương thức triển khai phù hợp với từng đối tượng, vùng miền. Trong Dự thảo luật sửa đổi, Bộ GD&ĐT cũng đề xuất các chính sách đối với nhà giáo khi học tập nâng cao trình độ. Trong đó nêu rõ: “Nhà nước có chính sách để nhà giáo được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao trình độ và đạt chuẩn nhà giáo. Nhà giáo được cử đi học nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ được hưởng lương và phụ cấp theo quy định của Chính phủ. Các cơ sở giáo dục có trách nhiệm tạo điều kiện để nhà giáo được đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn theo quy định”. Việc bồi dưỡng nâng chuẩn GV đã được Bộ GD&ĐT trù liệu từ rất sớm. Thời gian qua, Bộ đã xây dựng nhiều chương trình, dự án để chuẩn bị bồi dưỡng nâng chuẩn cho GV, trong đó có Chương trình ETEP (Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ GV, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông). Hiện nay, Chương trình ETEP đã và đang hoạt động hiệu quả nhằm nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông. Ngoài ra, ông Minh cũng cho rằng, GV cần phải tự học, tự bồi dưỡng, cần có ý thức cập nhật thường xuyên những đổi mới của giáo dục trong và ngoài nước. “Đây là điều khó với không ít GV, nhưng đó cũng là trách nhiệm. Có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT” - ông Minh nhấn mạnh.