Làm giàu nhờ vốn vay ưu đãi

Bình Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, nhờ được tiếp cận nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất mà hàng nghìn hộ nông dân trên địa bàn huyện Hoài Đức đã có cơ hội tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

 Nhiều hộ chăn nuôi lợn ở xã Cát Quế, huyện Hoài Đức được vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã đầu tư mở rộng phát triển sản xuất.
Nhờ đươc vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân với lãi suất ưu đãi mà nhiều hội viên nông dân xã Cát Quế thuận lợi hơn trong đầu tư cho chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như hộ ông Nguyễn Khắc Minh ở thôn 7, xã Cát Quế với mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm, lợn nái sinh sản. Ông Minh chia sẻ: “Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân như tiếp sức kịp thời giúp gia đình tôi mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi, tăng đàn từ 60 con lên 200 con lợn, trung bình mỗi năm cho thu lãi hàng trăm triệu đồng”.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Cát Quế Lê Thế Lý, Hội luôn tạo điều kiện để hội viên được tiếp cận các chương trình, nguồn vốn ưu đãi. Chỉ tính 10 tháng năm 2020, hơn 400 hộ hội viên nông dân xã được vay xấp xỉ 12 tỷ đồng để đầu tư các mô hình kinh tế. Đến nay, xã không có trường hợp nợ quá hạn. Tương tự, Hội Nông dân xã Dương Liễu cũng hỗ trợ nông dân vay vốn, đầu tư các mô hình chăn nuôi bò sữa, sản xuất miến, bánh kẹo… Hàng năm, tổng dư nợ từ các nguồn vốn trên địa bàn xã đạt từ 6 - 8 tỷ đồng. Cũng nhờ được vay vốn đầu tư phát triển kinh tế mà hàng chục nông hộ đã thoát nghèo. Đến nay, Dương Liễu không còn hộ nghèo.

Nhằm giúp hội viên vay, sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả, hàng năm, Hội Nông dân huyện Hoài Đức đều phối hợp với các đơn vị chức năng mở các lớp tập huấn kiến thức sử dụng vốn quỹ. Cùng với đó, hỗ trợ tối đa cho hội viên hoàn thiện thủ tục để được giải ngân trong thời gian nhanh nhất. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hoài Đức Nguyễn Thị Thanh cho biết, tính đến hết tháng 10/2020, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đang cho 1.600 hộ hội viên vay vốn là gần 31 tỷ đồng, trong đó nguồn ủy thác cấp TP là 26,82 tỷ đồng.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Thanh, Quỹ Hỗ trợ nông dân đã góp phần giúp hội viên xây dựng nhiều mô hình kinh tế tập thể, hình thức liên kết sản xuất hiệu quả hơn, đơn cử như mô hình trồng rau an toàn tại thôn Tiền Lệ (xã Tiền Yên) đạt 600 - 900 triệu đồng/ha/năm. Thời gian tới, Hội tiếp tục vận động tăng nguồn vốn quỹ hàng năm từ 500 triệu đồng trở lên. Cùng với đó, Hội nắm bắt sát thực nhu cầu vay vốn của hội viên và nhu cầu thị trường để xây dựng kế hoạch cho vay, thu hồi, luân chuyển vốn quỹ hiệu quả, để Quỹ Hỗ trợ nông dân thực sự là điểm tựa vững chắc của nhà nông.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần