Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm giàu từ nuôi côn trùng

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch tả lợn châu Phi hoành hành đã gây thiệt hại lớn với nhiều hộ chăn nuôi. Một số hộ đã nhanh nhạy chuyển đổi môi hình chăn nuôi vừa cải thiện kinh tế, vừa có công ăn việc làm. Mô hình nuôi dế thương phẩm của anh Bùi Văn Lâm, thôn Miễu 2, xã Tiến Xuân, Thạch Thất là một ví dụ điển hình.

 Mô hình nuôi dế thương phẩm của Bùi Văn Lâm, thôn Miễu 2, xã Tiến Xuân, Thạch Thất.
Anh Lâm cho biết, do ảnh hưởng của bão giá chăn nuôi lợn năm 2017, anh đã giảm đàn. Sau đó, anh Lâm chủ động tìm hiểu mô hình chăn nuôi mới để chuyển đổi. Sau khi tìm hiểu trên các nguồn thông tin, thấy dế là vật dễ nuôi, có vốn đầu tư thấp, lại ít dịch bệnh, không gây ô nhiễm môi trường và thời gian thu hoạch ngắn nên anh quyết định đầu tư chăn nuôi.
Chia sẻ về kinh nghiệm chăm sóc dế, anh Lâm cho hay: Dế là loài vật dễ nuôi, ít dịch bệnh nhưng đây lại là con vật rất nhạy cảm nên đòi hỏi môi trường sống phải sạch sẽ, thoáng mát. “Nếu trong rau chỉ cần tồn dư một lượng nhỏ hóa chất thì ngay lập tức dế sẽ chết hàng loạt” – anh Lâm chia sẻ. Do đó, để chủ động nguồn thức ăn cho dế và đảm bảo an toàn, anh Lâm tận dụng khu đất vườn nhà trồng các loại rau, cỏ. Thức ăn của dế khá đơn giản, chủ yếu là bột ngô, cám gạo và một số loại rau, cỏ như xà lách, cải non, lá sắn, rau lang…
Thời gian nuôi một lứa dế trung bình là 45 ngày có thể cho thu hoạch. Với 6 chuồng nuôi, mỗi chuồng cho thu từ 15 – 20kg dế thương phẩm. Trung bình mỗi lứa, anh xuất ra thị trường 80kg dế thương phẩm. Hiện nay, món ăn chế biến từ dế đang được ưa chuộng, do đó đầu ra của sản phẩm khá thuận lợi. Mỗi kg dế thành phẩm bán với giá 130.000 đồng. Theo tính toán, cứ 1kg dế thương phẩm khi bán ra trừ chi phí còn lãi 100.000 đồng. Đến nay, anh Lâm đã tự nhân giống cho vật nuôi này nên không mất chi phí cho con giống. “Nuôi dế nhàn hơn nuôi lợn và hiệu quả kinh tế lại cao hơn. Do đó, trong thời gian tới tôi sẽ tiếp tục mở rộng mô hình và đầu tư nuôi thêm một số loại côn trùng đặc sản khác” – anh Lâm chia sẻ.
Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân Đinh Công Long cho biết, sau ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã chủ động chuyển đổi vật nuôi như ngan, gà, bò, dế… Trong đó, mô hình nuôi dế thương phẩm của anh Lâm là một trong những mô hình hiệu quả và mới mẻ ở địa phương. Với chi phí đầu tư thấp và ít rủi ro, đầu ra thuận lợi, mô hình đã mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở địa phương. Hiện trên địa bàn xã cũng có nhiều hộ dân đã tới học hỏi để triển khai mô hình. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tạo mọi điều kiện khuyến khích người dân nhân rộng mô hình này.