Làm giàu từ nuôi đà điểu

Bình Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đà điểu, nhiều hộ nông dân ở xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì) đã có cơ hội nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu.

Trang trại nuôi đà điểu của anh Nguyễn Văn Trung, ở thôn Tam Mỹ, xã Tản Lĩnh cho hiệu quả kinh tế cao.
Là một trong số hộ tiên phong chăn nuôi đà điểu tại địa phương, anh Nguyễn Văn Trung, ở thôn Tam Mỹ, xã Tản Lĩnh cho biết, năm 2007, anh mua 50 con đà điểu tại Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương về nuôi thử nghiệm với giá 2,7 triệu đồng/con. Thời điểm ấy, nghề nuôi đà điểu ở Việt Nam còn rất mới. Trải qua hơn chục năm tích lũy kinh nghiệm, đến nay, anh Trung trở thành chuyên gia nuôi đà điểu với trang trại theo mô hình khép kín (từ con giống, chăn nuôi đến giết mổ, chế biến). Cùng với duy trì hơn 200 con đà điểu lấy thịt mỗi lứa, trang trại của gia đình anh Trung còn là địa chỉ tin cậy cung cấp giống đà điểu cho người dân trong vùng.
Tương tự, hộ gia đình anh Nguyễn Gia Dũng, ở thôn Tam Mỹ, xã Tản Lĩnh cũng chăn nuôi 100 con đà điểu. Anh Dũng chia sẻ, đà điểu dễ nuôi, ít gây ô nhiễm so với nuôi lợn. Thức ăn cho đà điểu chủ yếu là rau cỏ, cám, ngô, thóc… Hơn nữa, đà điểu lại có sức đề kháng tốt nên lớn nhanh, nguy cơ bị chết do dịch bệnh thấp. “Giống đà điểu khá đắt, loại 7 ngày tuổi dao động từ 1,5 - 2 triệu đồng/cặp; loại 2 tháng tuổi trở lên có giá 4 triệu đồng/cặp. Tuy nhiên, với các hộ có tiềm lực về tài chính, có mặt bằng rộng thì việc nuôi đà điểu có lợi nhuận khá cao và yên tâm về đầu ra sản phẩm” - anh Dũng cho hay.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Tản Lĩnh Ngô Gia Huệ, hiện toàn xã có 32 hộ chăn nuôi đà điểu với quy mô 1.900 con. Đà điểu khi xuất chuồng có trọng lượng trên 100kg. Sản phẩm thịt đà điểu, trứng đà điểu, giò đà điểu được người tiêu dùng trong vùng rất ưa chuộng. Đặc biệt, khách du lịch khi đến Ba Vì, ngoài mua sản phẩm sữa của địa phương nay có thêm các sản phẩm từ đà điểu như một đặc sản. Hiện giá bán trung bình đà điểu thịt trên địa bàn khoảng 200.000 - 250.000 đồng/kg, trừ chi phí, nông dân thu lãi tối thiểu 10 triệu đồng/con.
Với những lợi thế mang lại, nếu phát triển số lượng lớn, hiệu quả kinh tế từ nuôi đà điểu cao hơn nhiều lần so với chăn nuôi lợn, gia cầm. Do đó, trong thời gian tới, Hội Nông dân xã Tản Lĩnh tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ nguồn vốn vay thông qua Quỹ Hỗ trợ nông dân cho những hộ hội viên có kỹ thuật và mặt bằng phù hợp chuyển sang chăn nuôi đà điểu thay thế loại cây trồng, vật nuôi hiệu quả thấp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần