Lạm phát trong tầm kiểm soát

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 11 tháng 2018 tăng 3,59% so với bình quân cùng kỳ năm 2017 trong khi chỉ tiêu Quốc hội đặt ra là dưới 4%. Thực tế trên cho thấy, trong năm 2018 nhiều khả năng CPI vẫn ở dưới mức này.

Yếu tố làm giảm áp lực về giá
Tháng 11/2018, chỉ số CPI giảm 0,29% so với tháng trước. Nguyên nhân là do giá các mặt hàng như xăng dầu, thịt lợn và rau tươi giảm. Trong đó, giảm sâu nhất là xăng dầu với 4,1% so với tháng trước, đóng góp giảm CPI chung 0,17%. Nhóm giao thông giảm 1,81%; nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,64%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,14%; bưu chính viễn thông giảm 0,06%. Bên cạnh đó, bình quân 11 tháng, lạm phát cơ bản là 1,46% thấp hơn mức kế hoạch là 1,6%. Điều này cũng cho thấy chính sách tiền tệ đã và đang được điều hành ổn định.
 Người tiêu dùng chọn mua hàng tại một siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
“CPI 2018 chắc chắn hoàn thành mục tiêu, lạm phát trong tầm kiểm soát” - TS Nguyễn Đức Độ - Viện Kinh tế Tài chính nhận định. CPI thường tăng cao trong các tháng cuối năm. Xu hướng này không lặp lại ở năm nay khi CPI tháng 10 và tháng 11 đều ở mức khá thấp. Thậm chí CPI tháng 11 còn giảm. Bình quân CPI 11 tháng chỉ đạt 3,59%, nghĩa là dư địa đến con số mục tiêu 4% vẫn còn khá lớn.

Thời điểm này năm ngoái, CPI tháng 11/2017 tăng 0,13%, tháng 12/2017 tăng 0,21% và trong bối cảnh ảnh hưởng của tăng giá xăng dầu, gas khiến chỉ số giá nhóm nhiên liệu làm tăng CPI chung 0,09%. Giá điện sinh hoạt tăng 0,62% do giá điện bình quân được điều chỉnh tăng 6,08% từ ngày 1/12/2017 theo Quyết định số 4495/QĐBCT ngày 30/11/2017 của Bộ Công Thương. Song, mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ mức CPI bình quân năm 2017 (tăng 3,53%) dưới 4% đã đạt được trong bối cảnh điều chỉnh được gần hết giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý đặt ra trong năm 2017.

"Chính sách tiền tệ của Việt Nam khá nhất quán theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm và điều hành tỷ giá. Tỷ giá USD/VND vẫn đang ổn định và tiếp tục được hỗ trợ bởi nguồn cung ngoại tệ dồi dào. Lãi suất tiết kiệm tăng song thanh khoản của hệ thống ngân hàng ổn định. Lĩnh vực “hút” nhiều vốn là bất động sản hiện đang bị “siết” thông qua việc nâng hệ số rủi ro lên 200% vào đầu năm 2018 và 250% vào đầu năm 2019. Ngoài ra, ngân hàng cũng phải hạ tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn 5% (còn 40%) vào đầu năm 2019, tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ để quản lý ổn định thị trường vàng, hạn chế tác động bất lợi của biến động giá vàng đến tỷ giá." - TS Nguyễn Trí Hiếu

Vào giữa năm 2018, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) dự báo, chỉ số CPI bình quân cả năm 2018 tăng trong khoảng 3,73 - 3,95%. Ẩn số đối với lạm phát cần tính tới trong những tháng cuối năm 2018 là giá xăng dầu và giá thịt lợn. Với những diễn biến hiện nay, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, khả năng con số sẽ ở mức thấp hơn.

Năm thứ 3 liên tiếp kiểm soát lạm phát dưới chỉ tiêu

Trong tháng 12 năm nay dù đã là tháng cận kề tháng cuối năm nhưng áp lực lạm phát đã nhẹ hơn rất nhiều. Giá dầu thế giới giảm sâu kéo giá xăng dầu trong nước cũng giảm mạnh trong thời gian gần đây. Trong ngày điều chỉnh 6/12 mới nhất, tất cả các mặt hàng xăng dầu đều giảm với biên độ mạnh. Giá xăng giảm mạnh xuống 17.181 đồng/lít.

Giá thịt lợn cũng giữ ổn định và không có nhiều sự thay đổi về giá bán. Hiện giá lợn hơi chủ yếu được giao dịch quanh mức 46.000 đồng/kg. Và dự báo giá thịt lợn cũng không biến động nhiều do nguồn cung dồi dào. Giá nhóm lương thực và giao thông, Chính phủ đã chủ động rà soát, cân đối nhu cầu cung cầu. Giá xăng dầu giảm buộc giá cước phải giảm kéo theo tiền vận tải hàng hóa, dịch vụ sẽ giảm. Nếu kịch bản CPI năm nay đúng theo tính toán của Bộ Tài chính thì đây là năm thứ 3, Việt Nam đã kiểm soát chuỗi lạm phát mục tiêu và lạm phát thực tế sát với chỉ tiêu của Quốc hội. Cụ thể, năm 2016, lạm phát là 4,75%, bảo đảm chỉ tiêu dưới 5% và năm 2017 là 3,52%, tức là dưới mức 4% của Quốc hội.

Dù vậy sang năm 2019, các chuyên gia cũng lưu ý, áp lực lạm phát vẫn đè nặng do giá điện sẽ được điều chỉnh, thuế bảo vệ môi trường xăng dầu tăng, áp lực tỷ giá. Cùng với đó, trước việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đồng NDT biến động mạnh, rủi ro về thiên tai, bão lũ, chỉ số giá tiêu dùng còn chịu ảnh hưởng từ việc điều chỉnh giá dịch vụ do Nhà nước quản lý như y tế, giáo dục, tiền lương cơ sở… Và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo không lơ là, chủ quan trong thực hiện kế hoạch năm 2019.