Làm rõ danh mục bí mật Nhà nước cần bảo vệ trong luật

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 11/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 25, cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước.

Dự luật quy định 15 lĩnh vực thuộc phạm vi bí mật Nhà nước, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng phạm vi còn quá rộng và có những điểm chưa thật sự phù hợp trên thực tế. Trong phạm vi, Dự Luật quy định lĩnh vực chính trị gồm: Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác xây dựng Đảng; công tác dân tộc, tôn giáo; thông tin liên quan đến thân thế, sự nghiệp lãnh đạo Đảng, Nhà nước...
 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. Ảnh: TTXVN
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, cần “khoanh” lại, bởi trong phạm vi này có những điểm cần giữ bí mật nhưng cũng có những nội dung cần phải tuyên truyền công khai. Hay như “Thông tin về hoạt động của Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lãnh đạo Đảng, Nhà nước”, lâu nay nhiều thông tin vẫn được báo chí đăng tải rộng rãi. Nên chăng luật chỉ quy định theo cấu trúc những vấn đề cơ mật cần bảo vệ, vì “thực tế khác xa rồi”.

Chiều cùng ngày, UBTV Quốc hội cho ý kiến về việc xử lý số kinh phí Tổng cục Thuế đã tạm ứng để thực hiện chính sách tinh giản biên chế từ năm 2012 trở về trước. Đồng thời, biểu quyết thống nhất đồng ý sửa bổ sung thêm một khoản chi trong Nghị quyết 1094 ngày 18/12/2015 của UBTV Quốc hội về cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan giai đoạn 2016 - 2020, cho phép khoản chi tinh giản biên chế vào chi thường xuyên 63%, nằm trong cơ chế khoán áp dụng trong giai đoạn 2018 - 2020. Cùng với đó, cho phép sử dụng chi thường xuyên năm 2017 để xử lý hơn 51 tỷ đồng tiền giải quyết cho 1.336 công chức.

Liên quan đến phạm vi trong lĩnh vực lập pháp, tư pháp, trước lĩnh vực được Dự Luật đề cập đến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, rất nhiều vấn đề đều được công khai để người dân theo dõi, nhất là quá trình tố tụng.

Nhấn mạnh Hiến pháp quy định việc hạn chế quyền công dân, trong đó có quyền tiếp cận thông tin chỉ có thể bằng luật chứ không phải văn bản dưới luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, so với pháp lệnh hiện hành thì Luật này phải tốt hơn, minh bạch hơn, công khai hơn chứ không phải quy định sơ sơ rồi chuyển cho bộ, ngành quy định. Cần minh bạch phạm vi, phân loại, danh mục bí mật Nhà nước. Có danh mục kèm theo, như vậy mới tiến bộ, từ pháp lệnh chuyển qua luật hoá chứ không phải chuyển qua nghị định hoá hay thông tư. Đồng thời, Chủ nhiệm Lê Thị Nga cũng lưu ý rằng nếu nhìn vào Dự Luật thì chưa thấy cụ thể cái gì mật và cái gì không mật vì phụ thuộc văn bản dưới luật.

Chủ nhiệm Lê Thị Nga cũng nêu thực tế là các báo cáo về tư pháp hàng năm gửi tới cơ quan của Quốc hội đều đóng dấu mật, từ công tác phòng chống tội phạm, công tác xét xử đến thi hành án... dẫn đến báo cáo thẩm tra cũng phải đóng mật. Điều này gây khó khăn trong việc lựa chọn nội dung mời báo chí dự và đưa tin trong các phiên làm việc. Trong khi đó, định nghĩa về bí mật Nhà nước chỉ là thông tin có nội dung quan trọng mà nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Các ý kiến cũng đề nghị cần ban hành danh mục bí mật Nhà nước kèm theo luật thì mới rõ cái nào mật và không mật để người dân biết và làm những gì pháp luật không cấm. Từ quy định này, quá trình sử dụng, sao chép thông tin bảo mật cho đến giải mật hoàn toàn là việc của cơ quan Nhà nước mà gần như không có sự tham gia ý kiến của người dân. Do đó, Dự Luật cần bổ sung vào nguyên tắc để đảm bảo quyền giám sát của công dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần