Làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật: Chỉ tạm thời, căn cơ phải xử lý nguồn thải

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, dự án xử lý mùi sông Tô Lịch mới chỉ là thử nghiệm, Bộ đã giao các đơn vị theo dõi và đánh giá thử nghiệm.

Nước sông Tô Lịch được làm sạch từ nước Hồ Tây sau đợt mưa lớn trong tuần này (2 ảnh nhỏ)
Chiều 4/5, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2019, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành thông tin tới báo chí: Vừa qua, Bộ đã có buổi làm việc với chuyên gia Nhật Bản cũng là chuyên gia của Liên Hợp Quốc về môi trường và đã đề xuất thử nghiệm công nghệ nano để xử lý mùi của sông Tô Lịch. Công nghệ này đã được đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ ở Nhật Bản.
Ở Việt Nam, dự án xử lý mùi sông Tô Lịch mới chỉ là thử nghiệm, Bộ đã giao các đơn vị theo dõi và đánh giá thử nghiệm. Phía Nhật Bản sẽ tài trợ xử lý miễn phí trong quá trình thí điểm. Nếu thử nghiệm thành công và tiếp tục sử dụng công nghệ của Nhật Bản thì sẽ phải trả kinh phí. Tuy nhiên, việc lập dự án xử lý ô nhiễm môi trường nước, lựa chọn công nghệ, nhà thầu… sẽ phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Trong những ngày qua, tình trạng ô nhiễm trên sông Tô Lịch, đặc biệt là đoạn từ Hoàng Quốc Việt đến Cầu Giấy đã được cải thiện đáng kể. Có những thời điểm, nước sông từ màu đen đã chuyển sang màu xanh. Cùng với đó, mùi xú uế đặc trưng giảm đáng kể. 

Nguyên nhân là Hà Nội trải qua đợt mưa lớn kéo dài khiến mực nước ở Hồ Tây tăng cao. Để đảm bảo an toàn, Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội đã tiến hành mở các cửa thoát để đưa nước trong hồ về mức an toàn. Đơn vị đã mở cửa xả dẫn nước từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch, nhờ đó nước, chất lượng nước tại sông Tô Lịch đã được thay đổi. Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày nước sông Tô Lịch lại trở lại màu đen vốn có và bốc mùi như trước.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Công Thành, với việc ô nhiễm môi trường thì việc xử lý căn cơ là xử lý nguồn chất thải đổ vào dòng sông, còn các biện pháp khác chỉ là nhất thời, vì vậy rất cần các giải pháp căn cơ hơn.
Trước đó, vào chiều 11/4 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có buổi tiếp đoàn chuyên gia Nhật Bản về môi trường do tiến sĩ Tadashi Yamamura - chuyên gia Liên hợp quốc về môi trường, Chủ tịch Tổ chức xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản dẫn đầu.
Tại cuộc gặp, ông Tadashi Yamamura đề xuất tài trợ miễn phí thiết bị công nghệ bio-nano, thí điểm xử lý ô nhiễm một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây. Theo đó, phía Nhật Bản sẽ mang thiết bị có tốc độ xử lý siêu nhanh đặt dưới lòng sông Tô Lịch. Công nghệ này gồm máy sục khí công nghệ nano sử dụng vật liệu thiên nhiên.
Tiến sĩ Tadashi Yamamura khẳng định đã điều tra, khảo sát trong 2 năm để đưa ra đề nghị trên. Ông hy vọng công nghệ hiện đại này sẽ hỗ trợ tích cực cho Việt Nam trong vấn đề xử lý nước thải.
Tìm hiểu thêm về công nghệ mà các chuyên gia Nhật Bản sẽ áp dụng để làm sạch sông Tô Lịch, 2 thiết bị được sáng chế ở Nhật là máy sục khí Micro Nano và tấm vật liệu Bioreactor sẽ được mang sang và đặt dưới lòng sông.
Khi 2 thiết bị này kết hợp với nhau sẽ như có 1 nhà máy xử lý nước thải ngay dưới lòng sông. Hàng ngày, khi nước thải, nguồn ô nhiễm chảy vào thì công nghệ này sẽ xử lý ngay trong ngày và không còn ô nhiễm nữa.
Công nghệ Bioreactor có vai trò kích thích các vi sinh vật có ích, gây ức chế và làm giảm mạnh số lượng các vi sinh vật có hại, gây ô nhiễm môi trường nước. Công nghệ Nano sẽ xử lý tận gốc nguồn gây ra ô nhiễm, mùi hôi, phân giải toàn bộ lớp bùn tầng đáy mà không cần nạo vét cơ học. Hệ thống Nano này có thể phân giải chất gây ô nhiễm mà không cần đợi việc tách nước thải vào sông.
Theo các chuyên gia Nhật Bản, sau 3 ngày đưa vào vận hành công nghệ này, mùi hôi thối trên sông Tô Lịch sẽ không còn nữa, sau 2 tháng phần lớn chất thải và bùn dưới lòng sông sẽ bị phân hủy.