Lạm thu vẫn núp bóng tự nguyện

Nhi Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lạm thu đầu năm học là câu chuyện được nhiều người ví như “đến hẹn lại lên”. Đã nhiều năm qua, dù ngành chức năng liên tục ra văn bản quy định rõ những khoản nhà trường được thu, không được thu cũng như chấn chỉnh vi phạm, nhưng tình trạng lạm thu vẫn núp dưới tên gọi “tự nguyện”, “thỏa thuận” hoặc “xã hội hóa” để tái diễn.

Học sinh một trường tiểu học ở Hà Nội trong giờ học toán. Ảnh: Chiến Công
Trả lại là xong?
Như Kinh tế & Đô thị thông tin, dù chưa khai giảng năm học mới, một số phụ huynh có con vào lớp 1 trường Tiểu học Đô thị Việt Hưng (quận Long Biên, Hà Nội) đã bức xúc vì phải đóng khoản tiền gần 3 triệu đồng, trong đó có nhiều khoản không có biên lai. Sau khi báo chí phản ánh, nhà trường đã trả lại những khoản thu sai cho phụ huynh.
Nhiều người đặt câu hỏi, nếu phụ huynh không lên tiếng, báo chí không vào cuộc, liệu việc trả lại những khoản thu sai này có được thực hiện? Số tiền dù nhiều, cũng không quan trọng bằng trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường với phụ huynh. Một phụ huynh có con vào lớp 1 trường Tiểu học Đô thị Việt Hưng bức xúc: “Chẳng lẽ nhà trường thu sai, bị dư luận phản ứng thì trả lại tiền là hết trách nhiệm? Nếu không xử lý nghiêm, bao giờ phụ huynh hết khổ vì nạn lạm thu?”.
Trước đó mấy ngày, mạng xã hội xôn xao về bức thư do Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố (quận Lê Chân, Hải Phòng) ký, gửi phụ huynh về kế hoạch bổ sung trang thiết bị giảng dạy, học tập, tổng số tiền lên đến trên 900 triệu đồng, đề nghị phụ huynh phải đóng các khoản tự nguyện. Còn tại trường Tiểu học Đông Vệ 2 (Thanh Hóa), việc mỗi phụ huynh có con vào lớp 1 phải đóng 1,3 triệu đồng để mua bàn, ghế và một số đồ dùng phục vụ dạy, học... cũng khiến dư luận, đặc biệt là các bậc phụ huynh thêm phần lo lắng về các khoản thu đầu năm học.
Nhiều khoản tiền đóng không có hóa đơn, chứng từ, ngoại trừ chữ ký xác nhận của phụ huynh học sinh vào một quyển sổ của nhà trường. Số tiền sẽ được đầu tư vào việc gì, chi như thế nào, phụ huynh hoàn toàn không biết hoặc chỉ biết qua thông báo của Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Chấn chỉnh, chưa đủ!
Lạm thu đầu năm học là câu chuyện năm nào cũng tái diễn với mức độ và hình thức khác nhau. Để khắc phục tình trạng này, trong Chỉ thị đầu năm học mới, Bộ GD&ĐT đều yêu cầu chấn chỉnh, nhắc nhở các địa phương thực hiện thu, chi tại các cơ sở giáo dục tuân thủ theo đúng quy định, tránh để tình trạng lạm thu gây khó khăn cho phụ huynh học sinh. Bộ cũng đề nghị UBND các địa phương quan tâm chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục để xảy ra tình trạng lạm thu. Tuy nhiên, những bức xúc về các khoản đóng góp đầu năm của phụ huynh và dư luận xã hội chưa bao giờ lắng xuống.
Để tiếp tục siết quy định thu – chi, năm học này, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường tuyệt đối không lợi dụng danh nghĩa xã hội hóa, Ban đại diện cha mẹ học sinh để tổ chức thu các khoản đóng góp mang tính cào bằng, áp đặt. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo ngại, các cơ sở sẽ nghĩ ra nhiều cách “lách” để buộc phụ huynh phải chi các khoản “tự nguyện”. Đây là câu chuyện đã từng xảy ra, nhiều cơ sở khi bị phanh phui đã trả lại hàng tỷ đồng cho phụ huynh, nhưng chắc chắn, có những nơi đã thu trót lọt.
Bởi vậy, ngoài công văn, văn bản chấn chỉnh từ cấp trên, điều mà nhiều người mong đợi, là lương tâm của những người làm nghề giáo, là những người đứng đầu cơ sở giáo dục. Đừng để đánh mất niềm tin của học sinh, của phụ huynh vào một môi trường giáo dục thiếu công bằng, minh bạch. Và hi vọng, sau tiếng trống khai trường năm nay, phụ huynh sẽ bớt đi nỗi lo về những khoản phí đầu năm học.
Để xảy ra lạm thu, nguyên nhân chủ yếu là một số cơ sở giáo dục cố tình thực hiện sai quy định, biến tướng để thu tiền học sinh. Bên cạnh đó, Ban đại diện cha mẹ học sinh chưa làm hết trách nhiệm của mình, thậm chí có nơi còn tiếp tay cho vi phạm. 

Chính quyền một số địa phương chưa thực hiện tốt vai trò trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục trên địa bàn, chưa thanh tra, kiểm tra kịp thời để xử lý các cơ sở giáo dục có sai phạm về thu chi tài chính, dẫn đến còn tình trạng các cơ sở giáo dục thu một số khoản ngoài quy định.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD&ĐT Trần Tú Khánh

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần