Làm văn hóa hay dựng hình ảnh ngành?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ những loại dao, kiếm, thuốc kích dục... tịch thu ở biên giới cho tới những món...

Kinhtedothi - Từ những loại dao, kiếm, thuốc kích dục... tịch thu ở biên giới cho tới những món "hàng độc" như thạp gốm thời Lý, bạch phiến, thuốc lắc và cả chục chiếc sừng tê giác do cán bộ hải quan tịch thu được trong các chuyến bắt buôn lậu sẽ được tái hiện trong không gian của bảo tàng mới thành lập - Bảo tàng Hải quan.

Câu chuyện phía sau hiện vật

Bảo tàng Hải quan – bảo tàng ngành được bố trí trong không gian rộng để trưng bày và đón khách. Mục đích thành lập bảo tàng không chỉ để giới thiệu về hoạt động giao thương quốc tế của Việt Nam trong nhiều thế kỷ và chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển Hải quan Việt Nam (10/9/1945 – 10/9/2015) theo kiểu phòng truyền thống, mà để kể một câu chuyện khác phía sau công việc của người làm ngành. Chính vì vậy, không gian của Bảo tàng Hải quan được sắp đặt khá đặc biệt với hầu hết tủ, bục, ngăn trưng bày được cách điệu theo hình thức của những thùng, tủ gỗ và các container hàng. Đặc biệt hơn cả là những hiện vật trưng bày độc đáo như 1.403 viên kim cương (trị giá 6 tỷ đồng); 2 chiếc đèn cầy được làm bằng ma túy Phemetrazine và Ephedrine với trọng lượng 4kg; 796.500 viên thuốc Ferimins (thuốc gây nghiện), cùng vô số hiện vật là hàng lậu bị Cục Chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan thu giữ. Điểm nhấn tạo nên sự hấp dẫn với người xem chính là những câu chuyện được “kể” rất chi tiết thông qua hiện vật trưng bày, bảng thuyết minh lẫn những clip hình ảnh được đặt trong các màn hình nằm rải rác.

 
Một góc Bảo tàng Hải quan sáng 13/3. 	Ảnh: Thanh Loan
Một góc Bảo tàng Hải quan sáng 13/3. Ảnh: Thanh Loan
Là người đóng vai trò tư vấn và hỗ trợ cho dự án Bảo tàng Hải quan suốt 2 năm qua, PGS.TS Nguyễn Văn Huy bày tỏ: “Với bảo tàng, điều tạo nên sự hấp dẫn nhất chính là các câu chuyện nằm sau mỗi hiện vật. Bởi vậy, thay vì bày ra la liệt, các hiện vật phải được khai thác theo chiều sâu chọn lọc vừa đủ, có các thông tin đi kèm và sắp xếp một cách nghệ thuật để đánh thức cảm xúc, tư duy của người xem. Để có được những tài liệu trên, nhóm chuyên gia đã đi 17 tỉnh, TP là những nơi có đơn vị Hải quan cũng như cửa khẩu để sưu tầm tư liệu, hiện vật. Điều này giúp cho nhóm chuyên gia có được nhiều tài liệu, hiện vật quý giá để đưa vào trưng bày. Nhờ đó, Bảo tàng đã khái quát được chặng đường phát triển của ngành hải quan; chia sẻ những câu chuyện, kinh nghiệm cũng như những thành công trong quá trình hoạt động của ngành”.

Kế hoạch “hướng ngoại”

Dự án thành lập Bảo tàng Hải quan được nung nấu từ gần 5 năm trước và bắt tay vào thực hiện trong khoảng 2 năm trở lại đây. Ngay từ đầu, khi tham gia vào dự án, các chuyên gia tư vấn như PGS.TS Nguyễn Văn Huy, chuyên gia Pháp Patrik Hoarau đã xác định không thể thành lập bảo tàng theo kiểu cũ, nghĩa là không thể bày la liệt những huy chương, tranh ảnh, thành tích của ngành, những chân dung khổ lớn của các vị tiền lãnh đạo. Bảo tàng của một ngành mở cửa tự do đón khách vào tham quan không phải là cách làm hiếm thấy trên thế giới. Theo PGS Nguyễn Văn Huy, hiện tượng này khá phổ biến ở các nước phát triển và ý tưởng này đã được ngành hải quan hưởng ứng. Nên thay vì bó hẹp trong phòng truyền thống, lác đác vài khách ghé chân khi tới liên hệ công việc, thì Bảo tàng Hải quan được dành hẳn một vài trăm mét vuông ở tầng trệt của Tổng Cục Hải quan để xây dựng địa điểm.

Dự kiến thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục mở rộng Bảo tàng nhằm trưng bày thêm tư liệu, hiện vật theo các chuyên đề.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần