Làm việc trong tổ chức phi chính phủ vẫn phải đóng bảo hiểm

KINHTEDOTHI.VN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Con gái tôi mới được nhận làm việc tại một tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam. Vậy theo quy định của pháp luật, các tổ chức phi chính phủ có phải đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc cho người lao động hay không? Ngoài ra, có phải pháp luật có quy định về việc đơn vị, DN có sử dụng từ đủ 10 lao động trở lên mới phải đóng BHXH hay không? (Lê Xuân Thọ, quận Đống Đa)rn

BHXH Hà Nội trả lời:
Về quy định đối tượng đóng BHXH bắt buộc: Theo Khoản 1, Điều 186 Bộ luật Lao động năm 2012 về tham gia BHXH, BHYT quy định: Người sử dụng lao động (SDLĐ), người lao động (NLĐ) phải tham gia BHXH bắt buộc, BHYT bắt buộc, BH thất nghiệp và được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về BHXH và pháp luật về BHYT.

Theo Điểm a và điểm b khoản 1 Điều 2 Luật BHXH năm 2014 quy định về đối tượng NLĐ là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm: Người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả HĐLĐ được ký kết giữa người SDLĐ với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động; Người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng.

Khoản 3, Điều 2 Luật BHXH năm 2014 quy định: Người SDLĐ tham gia BHXH bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức chính trị xã hội- nghề nghiệp, tổ chức xã hội- nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; DN, HTX, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, SDLĐ theo HĐLĐ.

Khoản 1, Điều 124 Luật BHXH năm 2014 quy định về hiệu lực thi hành quy định: Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016, trừ quy định tại Điểm b Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 của Luật này thì có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018.

Như vậy, đối chiếu với các quy định nêu trên, người SDLĐ tại các đơn vị, DN, tổ chức hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam phải có trách nhiệm đóng BHXH bắt buộc, BHYT bắt buộc cho NLĐ, cụ thể: Trước 1/1/2018 áp dụng đối với HĐLĐ có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; từ ngày 1/1/2018 trở đi áp dụng đối với HĐLĐ có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên.

Về điều kiện số lao động trong đơn vị làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc:Theo Khoản 36, Điều 1 và Điều 2 Luật sửa đổi một số điều của Bộ luật Lao động năm 2002 quy định: BHXH bắt buộc được áp dụng đối với những DN, cơ quan, tổ chức có SDLĐ làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên và HĐLĐ không xác định thời hạn. Luật này có hiệu lực từ ngày 1/1/2003. Như vậy, thời điểm trước ngày 1/1/2003, đơn vị, DN có từ 10 lao động trở lên mới thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; từ ngày 1/1/2003 trở đi không đặt ra điều kiện số lượng lao động trong đơn vị để làm căn cứ tham gia BHXH bắt buộc (dưới 10 lao động cũng thuộc đối tượng tham gia) mà chỉ bảo đảm điều kiện có HĐLĐ từ đủ 3 tháng trở lên (từ ngày 1/1/2018 áp dụng điều kiện HĐLĐ từ đủ 1 tháng trở lên như đã đề cập ở trên).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần