Lấn chiếm vỉa hè làm nơi trông giữ phương tiện: Đơn vị càng to, vi phạm càng nhiều

Trình Vũ – Đông Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là nhận định của ông Nguyễn Xuân Đình – Trưởng phòng Cảnh sát Trật tự, Công an TP Hà Nội liên quan đến tình trạng chiếm dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi trông giữ phương tiện.

Cụ thể, theo ông Đình, sau 3 năm thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị” tình hình trật tự đô thị trên địa bàn TP đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trên địa bàn TP vẫn tồn tại những “điểm nóng” về tình trạng mất trật tự đô thị, đặc biệt là ngoài giờ hành chính. Tại khu vực nội thành, tình trạng trông phương tiện, bày bán hàng hoá lấn chiếm vỉa hè vẫn diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là các khu vực như: Tăng Bạt Hổ, Phạm Đình Hổ, Hai Bà Trưng, Hào Nam, Ô Chợ Dừa… Trong khi đó, tại các huyện ngoại thành, tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường quốc lộ làm nơi họp chợ vẫn diễn ra khá phổ biến. “Trong năm qua, qua khảo sát công an TP xác định trên các tuyến QL ở khu vực ngoại thành hiện còn 26 tụ điểm chợ “cóc”. Tuy nhiên, đến thời điểm này, số lượng chợ “cóc” vẫn giữ nguyên chưa có chuyển biến gì” – ông Đình nêu thực trạng.
Trưởng phòng Cảnh sát Trật tự, Công an TP Hà Nội Nguyễn Xuân Đình phát biểu tại Hội nghị quán triệt triển khai kế hoạch tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý, giải quyết vi phạm trật về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công lòng đường hè phố và các điểm trông giữ phương tiện trên địa bàn TP diễn ra sáng 4/3.
Đối với các khu vực chợ tạm, hiện trên địa bàn TP có 939 điểm trông giữ phương tiện lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Cụ thể, trông trên vỉa hè là 687 điểm, trông dưới lòng đường là 245 điểm. Trong đó, có 695 điểm là có phép và 244 điểm là không có phép. Và trong số điểm trông giữ xe tại lòng đường vỉa hè thì đáng chú ý là có 395 điểm tại trước cửa các cơ quan, bệnh viện, trường học, đặc biệt là các cơ quan trực thuộc T.Ư đóng trên địa bàn TP. Trong số này, chỉ có 186 điểm là có phép, còn lại là không có phép. Cũng theo ông Đình, tình trạng trên diễn ra ngày càng phức tạp theo hướng, cơ quan càng to vi phạm càng nhiều.

Cũng theo ông Đình, mặc dù các lực lượng chức năng đã xử lý rất nhiều trường hợp vi phạm nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Cụ thể, theo ông Đình, hiện nay lực lượng Cảnh sát trật tự băn khoăn và ngại trong việc thu giữ đồ vật, vật dụng của người vi phạm vì cũng chưa có những quy định cụ thể, rõ ràng. Bên cạnh đó, hiện chưa có quy định về việc xử lý vi phạm trật tự đô thị sau 24 giờ đêm.

Theo ông Đình, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Nhu cầu thiết yếu của người dân, dẫn đến tình trạng người dân “rình” lực lượng chức năng để vi phạm. Bên cạnh đó, hiện công tác tuyên truyền gặp rất nhiều khó khăn, chưa tạo ra được sự sâu rộng, đồng bộ trong toàn xã hội. Cùng với đó, chính quyền nhiều địa phương còn có thái độ giao phó toàn bộ trách nhiệm cho lực lượng Công an phường mà né trách nhiệm của mình.

Để khắc phục tình trạng trên, ông Đình kiến nghị các đơn vị có chức năng tăng cường lực lượng kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm. Quy trách nhiệm cho từng lực lượng. Bên cạnh đó, các đơn vị cấp phép trông giữ phương tiện phải siết chặt công tác cấp phép các điểm trông giữ, tránh tình trạng cấp xong để đấy, đơn vị được cấp muốn làm ra sao thì làm, muốn cho ai thuê thì thuê.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần