Lần đầu Hà Nội cho phép đấu giá cổ vật: Nỗi lo thất thoát

Nhật Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những cổ vật như “Bình đồng” của nền văn hóa Đông Sơn (niên đại khoảng 2000 năm), “Thạp gốm hoa nâu” đời nhà Trần (từ thế kỷ XIII – XIV), “Hộp Pháp lam Hoàng cung” thời nhà Nguyễn (thế kỷ XIX) sẽ được bán đấu giá tại Hà Nội vào 19/8 tới.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam có sàn đấu giá cổ vật quý hiếm công khai, được Nhà nước bảo hộ.
Cổ vật dạng quý hiếm

Cổ vật “Bình đồng” là một hiện vật tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn. Toàn thân trang trí chấm nổi như da cóc và 5 vành đai ở quanh miệng, cổ và thân bình. Vai trang trí nổi băng hoa văn hình tam giác, hai quai hình chữ U ngược. “Thạp gốm hoa nâu” là một tác phẩm nghệ thuật, rất tiêu biểu và đặc trưng của đồ gốm men nâu thời Trần. Dáng “Thạp” hình quả nhót, miệng loe bẻ, vai bằng, trang trí nổi băng cánh sen kép, phía dưới là băng vạch ngắn song song cùng 6 quai mấu hình con đỉa. Toàn thân thạp phủ một lớp men màu trắng ngà, rạn, ngoài khắc vạch và tô nâu trang trí 3 băng hoa văn “Hộp pháp lam” được sử dụng để đựng những đồ để dâng, được sử dụng cho vua và Hoàng gia triều Nguyễn.

Cổ vật “Bình đồng” ước tính có niên đại khoảng 2000 năm sẽ được đấu giá vào ngày 19/8.

PGS.TS Bùi Văn Liên - Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam nhận xét: Bình đồng văn hóa Đông Sơn là một cổ vật thuộc dạng quý hiếm và rất nguyên vẹn, có thể khối vào loại lớn nhất trong số các đồ đồng cùng loại thuộc văn hóa Đông Sơn, chưa thấy xuất hiện trong các bảo tàng và sưu tập cá nhân, xứng đáng được lưu giữ, bảo quản và thưởng lãm. Không chỉ cổ vật, đá quý, cuộc bán đấu giá còn có những tác phẩm nghệ thuật do các nghệ nhân làng nghề quỳ vàng Kiêu Kỵ thuộc xã Kiêu Kỵ làm ra. 5 pho tượng Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn dát vàng được đưa ra đấu giá lần này chính là tâm huyết với nghề của họ.

Mở đường xong lo bảo vệ

Theo Văn bản số 3110/UBND-KGVX, UBND TP Hà Nội cho phép Công ty CP Đấu giá số 5 quốc gia bán đấu giá 3 cổ vật và 5 pho tượng trên. Theo ông Hoàng Thế Ngữ - Chủ tịch Hiệp hội đá quý Việt Nam, đây là lần đầu tiên Việt Nam có sàn đấu giá cổ vật quý hiếm công khai, được Nhà nước bảo hộ. Sự kiện đã đem lại niềm vui và hy vọng cho nhiều cá nhân đam mê sưu tập cổ vật. Lâu nay, luật pháp Việt Nam đã có những quy định cụ thể về giao dịch mua bán di vật, cổ vật. Nhưng thực tế, vẫn chưa có thị trường cổ vật đúng nghĩa; việc mua bán chủ yếu mang tính tự phát..., dẫn đến không ít rủi ro như nhà sưu tập luôn có nguy cơ mua phải hàng giả, hàng nhái bởi hầu hết cổ vật đều không chứng minh được nguồn gốc.

Tuy nhiên, các cổ vật này thuộc sở hữu tư nhân, đã được giám định niên đại và giá trị, đăng ký bản quyền, có hồ sơ bảo đảm tính pháp lý; do đó được đấu giá công khai, người nước ngoài cũng có thể tham gia theo Luật Đấu giá tài sản năm 2016. Song, cũng theo quy định của Bộ VHTT&DL thì bình đồng và thạp gốm hoa nâu thuộc loại di vật, cổ vật không được mang ra nước ngoài. Như vậy, nếu trong cuộc đấu giá lần này, di vật rơi vào tay người nước ngoài, các cơ quan của Việt Nam lại cần có biện pháp bảo vệ ngăn chặn tình trạng cổ vật không chân mà chạy ra khỏi lãnh thổ hình chữ S. Bên cạnh hình thức “mở đường” cho việc giao dịch mua bán cổ vật, cũng cần có thêm những quy định để đảm bảo chắc chắn tài sản văn hóa nước ta không bị biến mất.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần