Lần đầu tiên Việt Nam tạo thành công giống vi rút lở mồm long móng dùng để sản xuất vắc xin

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là thông tin được Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết tại Lễ công bố và chuyển giao giống vi rút lở mồm long móng cho các doanh nghiệp dùng để sản xuất vắc xin diễn ra chiều 11/12.

Tại buổi lễ, thay mặt Bộ NN&PTNT, Quyền Chánh Văn phòng Bộ Trần Quốc Tuấn đã công bố quyết định 4808/QĐ-BNN-TY về việc công nhận giống vi rút lở mồm long móng RAHO6/FMD/O-135, dòng ME-SA/PanAsia của Chi cục Thú y vùng VI trực thuộc Cục Thú y dùng để sản xuất vắc xin.
 Đại diện Bộ Nông nghiệp&Phát triển nông thôn phát biểu tại Hội nghị.
Theo đó, công nhận giống vi rút lở mồm long móng type O với tên gọi “RAHO6/FMD/O-135” thuộc bản quyền của Chi cục Thú y vùng VI trực thuộc Cục Thú y dùng để sản xuất vắc xin. Giống vi rút có nguồn gốc được phân lập từ ổ dịch bệnh LMLM trên bò vào năm 2013 tại tỉnh Quảng Nam, Việt Nam, không tạp nhiễm với các vi sinh vật khác. Giống vi rút thích nghi và phát triển tốt trên tế bào BHK-21, an toàn trên bò và trên lợn sau khi tiêm vắc xin vi rút LMLM RAHO6/FMD/O-135, có khả năng đáp ứng miễn dịch tạo kháng thể trung hòa bảo hộ với các chủng vi rút LMLM thực địa (bao gồm các dòng Cathay, PanAsia, Mya-98 và Ind2001d) đang lưu hành tại Việt Nam. Giống vi rút lở mồm long móng được chuyển giao cho ba doanh nghiệp sản xuất vắc xin gồm: Công ty cổ phần thuốc Thú y Trung ương Navetco, công ty RTD, công ty Đức Hạnh Marphavet.

Phát biểu tại buổi lễ, đại diện Công ty RTD cho rằng, để đảm bảo kết quả nghiên cứu được ứng dụng trong thực tiễn, đưa được vào thị trường và có chỗ đứng vững chắc, các doanh nghiệp cần tự thân vận động và không ngừng cải tiến chất lượng, giảm giá thành để có sức cạnh tranh với sản phẩm cùng loại. Tuy nhiên, nhà nước cần tạo mọi điều kiện và ưu tiên đẩy nhanh hơn nữa quá trình kiểm nghiệm, khảo nghiệm và đăng ký lưu hành vắc xin LMLM.

Song song với quá trình khảo nghiệm, cho phép đưa vắc xin vào một số địa phương để đánh giá chất lượng vắc xin trên diện rộng với sự giám sát của các đơn vị trực thuộc Cục Thú y. Xây dựng cơ chế, chính sách để doanh nghiệp có điều kiện tham gia vào các chương trình quốc gia phòng chống dịch bệnh thông qua cơ chế đặt hàng hoặc chỉ định thầu nhằm tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn đầu khi đưa sản phẩm ra thị trường. Vi rút LMLM thường xuyên biến chủng, do đó công tác đánh giá tình hình dịch tễ đối với bệnh LMLM cần được thực hiện thường xuyên, có kế hoạch để tạo tiền đề cho công tác tuyển chọn, phân lập và cập nhật chủng giống vi rút phù hợp với điều kiện thực tế.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao nỗ lực của Chi cục Thú y vùng VI trong việc tạo ra được giống vi rút LMLM để sản xuất vắc xin. Đây là thành tựu có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc giúp Việt Nam tự chủ trong việc sản xuất được vắc xin phòng bệnh LMLM, tạo tiền để cho nền chăn nuôi chủ động và bền vững. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các công ty tham gia chuyển giao sản xuất vắc xin LMLM cần rà soát lại hệ thống các dây chuyền, xác định các giải pháp bổ sung, giải pháp chiến lược, du nhập các công nghệ mới nhất, đặc biệt cần tập trung ở khâu phòng thí nghiệm để sản xuất lâu dài, phục vụ cho nền chăn nuôi hàng hóa nước nhà.

Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với Cục Thú y khảo nghiệm, thử nghiệm đúng quy trình nhưng cần đảm bảo thời gian nhanh nhất. Khi đưa ra môi trường thương mại, cần xây dựng chiến lược dài hơn, lấy những năm sau số lượng lớn là mục tiêu phấn đấu. Bộ trưởng cũng giao Thứ trưởng Vũ Văn Tám tổ chức thực hiện xây dựng Đề án an toàn dịch bệnh, phát triển ngành chăn nuôi, trong đó, tập trung vào khâu vắc xin, nhằm phát triển ngành chăn nuôi phát triển bền vững và chủ động.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần