Lan đột biến giá “khủng”: Cẩn thận “tiền mất, tật mang”

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, câu chuyện lan đột biến giá “khủng” đang khiến dư luận xôn xao. Trên mạng xã hội Facebook, Zalo, hàng trăm trang fanpage lan được lập ra với những cái tên rất hợp thời như: Hội Lan đột biến cánh trắng Bạch Tuyết, Lan var miền Bắc, Hội lan Ngọc Sơn Cước... cùng hàng chục đến hàng trăm nghìn thành viên. Giá trị các giao dịch được “hét” lên đến hàng trăm tỷ đồng. Tại Hà Nam, một thương vụ bán hoa lan được thông báo có trị giá 19 tỷ đồng.

 Lan đột biến giá ''khủng'': Cẩn thận ''tiền mất, tật mang''
Hay lớn hơn, một giao dịch lan Ngọc Sơn Cước tại Thị xã Đông Triều, Quảng Ninh được loan tin giá 250 tỷ đồng. Sự việc được quay clip đăng tải trên mạng xã hội khiến không ít người ngỡ ngàng trước giá trị của loài thực vật này. Ngoài ra, nhiều đối tượng chơi lan, kinh doanh lan đột biến còn cắt ghép ảnh người nổi tiếng, nghệ sĩ để tăng tương tác, gây chú ý dư luận.
Giữa những hoài nghi, các cơ quan chức năng gồm: Công an, Thuế, quản lý thị trường… đã vào cuộc và bước đầu xác định, đây là các thương vụ hét giá, thổi giá lan. Các đối tượng sử dụng chiêu thức tung giá, đẩy giá cao gấp hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lần một sản phẩm bình dân, độc lạ, quý hiếm nhằm nâng giá cho các đường dây buôn bán lan đột biến một cách dễ dàng hơn. Cụ thể, qua xác minh của Công an và UBND Thị xã Đông Triều về thương vụ mua bán lan đột biến trăm tỷ mới đây, phía nhà vườn “lan khủng” cho biết, toàn bộ số lan trong vườn hiện mới chỉ trong giai đoạn ươm cấy, nuôi trồng và không xác nhận việc mua bán.

Từ kết quả xác minh ban đầu của cơ quan chức năng và thực tế các giao dịch lan đột biến, có thể thấy giá của sản phẩm này đang được “thổi” lên gấp nhiều chục lần giá trị thực. Và hiện tượng sốt ảo, giá ảo trong nông nghiệp Việt Nam đã xuất hiện nhiều ở những loại cây, con không có gì độc lạ, nhưng vẫn bị thổi phồng. Đơn cử như hiện tượng thổi giá cây sanh làm cảnh từ vài trăm nghìn lên chục triệu, trăm triệu và cả tỷ đồng. Thậm chí giống nhím, lợn rừng, cây sưa đỏ... cũng được thổi giá cao khiến rất nhiều người bị lừa phỉnh, mắc bẫy.

Hiện cơ quan chức năng vẫn đang tích cực rà soát. Tuy nhiên, dư luận cũng đặt ra câu hỏi, nếu các giao dịch này có thật, việc thu thuế sẽ ra sao?

Theo các chuyên gia, hành vi kê khai khống, giá ảo, pháp luật đều có ràng buộc và xử phạt. Tuy nhiên, để xử lý, cơ quan chức năng phải xác định các giao dịch đó là thật, có chuyển tiền người mua, bán, qua ngân hàng hoặc trung gian tài chính khác mới có căn cứ tiến hành truy thu thuế. Trong trường hợp này, các mức thuế đánh vào DN hoặc cá nhân sẽ khác nhau và có quy định theo pháp luật.

Một khó khăn trong việc thu thuế các giao dịch khủng này (nếu có) là hầu hết các giao dịch lan đột biến đều không có hóa đơn, chứng từ để làm căn cứ xác định giao dịch có thật. Hoặc đó là các giao dịch tiền mặt, giao dịch qua trung gian hoặc chuyển khoản như thông thường thì việc thu thuế sẽ khó khăn. Vì vậy, cơ quan thuế cũng cần nghiên cứu và có các giải pháp thu thuế hiệu quả, tránh thất thu ngân sách.

Như vậy, qua câu chuyện lan đột biến có thể thấy, người tiêu dùng cần hết sức tỉnh táo, để tránh bị cuốn vào các cơn sốt ảo, tiền mất, tật mang. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần phải rà soát cũng như có các giải pháp chuẩn bị để không bối rối trước những “hiện tượng” mới của thị trường, của nền kinh tế.