Làn gió mới cho giới startups Hà Nội

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quan tâm khơi dậy và phát huy tinh thần khởi nghiệp (startup), khởi nghiệp sáng tạo (startups) luôn được coi là một trong những nhiệm vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội.

Mới đây, tại Kỳ họp thứ 9 (Khóa XV), HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND thông qua Đề án hỗ trợ startups trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2019 - 2025 được coi là “làn gió mới” thúc đẩy cho DN Thủ đô khởi nghiệp.
Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (Sở KH&ĐT Hà Nội – đơn vị thường trực Đề án) Lê Văn Quân cho biết, khi Đề án có hiệu lực DN hay dự án startup có khả năng tăng trưởng nhanh về quy mô khách hàng, doanh thu, lợi nhuận... dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.
Hình thành trung tâm startup của cả nước
Hiện Hà Nội có khoảng 268.000 DN, đứng thứ 2 cả nước, đồng thời cũng là trung tâm văn hóa - giáo dục - chính trị, là nơi tập trung nhiều trường đại học lớn với 119 trường đại học, cao đẳng và học viện. Sự phát triển của DN trên địa bàn TP Hà Nội những năm qua phản ánh rõ nét những thay đổi căn bản về chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm tại triển lãm hàng công nghệ diễn ra ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Số lượng DN trên địa bàn TP tăng nhanh, tuy nhiên, các DN có tính đột phá sáng tạo chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ (khoảng 0,1% trên tổng số DN startup). Qua khảo sát của nhóm nghiên cứu Đề án và chuyên gia cố vấn Israel về startups tại một số vườn ươm và tổ chức cho thấy, đa số các startups là các DN nhỏ và vừa phát triển kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số (SMB Digital), đây là một xu thế khi chúng ta bắt đầu chuyển dịch sang kinh doanh trực tuyến.
Loại hình DN này được xem là bước đệm để tiến tới hình thành các DN đổi mới sáng tạo. Do vậy, các DN startup SMB Digital cần có sự hỗ trợ cả về kỹ năng quản trị DN và hạ tầng kỹ thuật để họ có điều kiện phát triển nhanh, tăng tỷ lệ thành công và đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của xã hội.
Để phát triển được nhiều DN startups, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích sự sáng tạo, đặc biệt là các tài năng trẻ từ các trường đại học, viện nghiên cứu, đồng thời có chính sách đặc biệt để hỗ trợ họ phát triển ý tưởng sáng tạo trở thành sản phẩm thương mại hóa.
Hà Nội là Thủ đô của cả nước là nơi hội tụ rất nhiều các yếu tố để trở thành trung tâm startups của cả nước.
Tuy nhiên, ông Lê Văn Quân chỉ ra, để trở thành trung tâm startups, Hà Nội cần đầu tư mạnh mẽ có chiến lược để phát huy các thế mạnh sẵn có mang màu sắc Thủ đô. Vì vậy, việc xây dựng, triển khai thực hiện trên cơ sở thực tế, có sự tham khảo, đóng góp của rất nhiều các cơ quan.
Nhờ đó, tại Kỳ họp thứ 9 (Khóa XV), HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND thông qua chủ trương về Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2019 - 2025 và các chính sách hỗ trợ startups là hết sức cần thiết và cấp bách, phù hợp xu hướng phát triển hiện nay; từ đó, hiện thực hóa những chủ trương, chính sách của TP, xây dựng Hà Nội thành trung tâm startups của cả nước.
Chung tay vào cuộc
Ông Lê Văn Quân nhấn mạnh, Đề án được ban hành sẽ là “luồng gió mới” hỗ trợ và thúc đẩy cho startups để hoàn thành kế hoạch của TP, góp phần vào mục tiêu 1 triệu DN phát triển bền vững vào năm 2020 của Chính phủ.
Về tổng quát, Đề án nhằm hoàn thiện và phát triển hệ sinh thái startups trên địa bàn TP Hà Nội. Đề án cũng sẽ kết nối các thành phần của hệ sinh thái để hình thành mạng lưới hỗ trợ startup của TP; Truyền thông, thay đổi nhận thức và phát huy tinh thần về startups đến từng người dân, sinh viên, thanh niên và đội ngũ trí thức trên toàn TP; Hình thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo và startup của TP để thực hiện vai trò kết nối các nguồn lực trong nước, quốc tế, thúc đẩy hoạt động startups và dẫn dắt hệ sinh thái startups trên địa bàn Thủ đô; Hỗ trợ hình thành thêm từ 2 - 3 vườn ươm DN, không gian startups để phục vụ hoạt động hỗ trợ startup; Khuyến khích hình thành từ 3 - 5 quỹ đầu tư startups tư nhân, thu hút các Quỹ đầu tư nước ngoài thực hiện đầu tư cho startups.
Phấn đấu đến năm 2025, hỗ trợ phát triển 500 dự án startups, 150 DN startups thương mại hóa được sản phẩm, trong đó ít nhất 20% DN gọi được vốn thành công từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập với tổng giá trị ước tính khoảng 500 tỷ đồng.
Về nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Đề án gồm: TP sẽ thành lập Ban điều phối Đề án, do lãnh đạo UBND TP làm Trưởng ban với sự tham gia của nhiều sở, ngành như: Sở KH&ĐT, KH&CN, TT&TT, Công Thương, Tài chính, Ngoại vụ, NN&PTNT, VHTT, GTVT, QH-KT, Cục Thuế, Quỹ Đầu tư phát triển Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, Thành đoàn Hà Nội, Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội
. Trước mắt sẽ đẩy mạnh truyền thông startups và xây dựng văn hóa startup. Cùng với đó phát triển nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng cho startup. Thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm, thương mại hóa sản phẩm. Hỗ trợ tài chính và thúc đẩy hoạt động đầu tư cho startups. Tiếp đến sẽ hình thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo và startup Hà Nội.

Tổng kinh phí dự kiến thực hiện Đề án: 298,6 tỷ đồng, trong đó: Nguồn ngân sách TP cấp 244,6 tỷ đồng; Nguồn xã hội hóa 54 tỷ đồng (đóng góp của các tổ chức, cá nhân tham gia Đề án)…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần