Lấn làn là nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn giao thông đường bộ trong năm 2019

Văn Sinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2019, cả nước xảy ra 17.626 vụ tai nạn giao thông, làm chết 7.624 người, làm bị thương 13.624 người. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất gây tai nạn giao thông đường bộ là do người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường (chiếm 20,51%).

Sáng 2/1/2020, Bộ Giao thông vận tải tổ chức hội nghị Tổng kết năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020, bằng hình thức trực tuyến tại 63 điểm cầu trên toàn quốc.
 Hiện trường vụ xe tải lật đè chết 5 người trên Quốc lộ 5, ngày 23/7/2019
Báo cáo tổng kết đánh giá, năm 2019, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp để kéo giảm ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, trong các đô thị, đặc biệt là tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Theo thống kê, số vụ ùn tắc giao thông kéo dài là 88 (giảm 4 vụ so với năm 2018). Ngoài ra, tình hình ùn, ứ giao thông xảy ra khá thường xuyên tại các đoạn tuyến có các công trình giao thông thi công kéo dài, tổ chức giao thông bất hợp lý. Tình trạng vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, trông giữ phương tiện, đỗ xe trái phép... cũng là nguyên nhân gây ra ùn, ứ giao thông trong các đô thị.
Số liệu cũng chỉ rõ, năm 2019 (từ ngày 15/12/2018 đến 14/12/2019), cả nước xảy ra 17.626 vụ tai nạn giao thông, làm chết 7.624 người, làm bị thương 13.624 người. So với cùng kỳ năm 2018, giảm 939 vụ (giảm 5,06%), giảm 587 người chết (giảm 7,15%), giảm 934 người bị thương (giảm 6,42%). Thống kê theo các lĩnh vực thì tai nạn giao thông đường bộ giảm cả 3 tiêu chí, với mức giảm trên 5%; tai nạn giao thông đường sắt tăng 2 tiêu chí (trong đó số vụ tăng 6,99%, số người chết tăng 9,57%); tai nạn giao thông đường thủy giảm 2 tiêu chí về số vụ, số người chết, với mức giảm lần lượt là 17,5% và 33,33%, nhưng số người bị thương tăng 125%; tai nạn giao thông hàng hải tăng 10 người chết và mất tích (chiếm 250%); lĩnh vực hàng không dân dụng đã xảy ra 95 sự cố, so với năm 2018 tăng 7 sự cố (chiếm 8%).
Ngoài ra, thiệt hại do thiên tai gây ra đối với lĩnh vực đường bộ trong năm 2019 dự kiến khoảng 680 tỷ đồng; tập trung tại một số địa bàn do Cục Quản lý đường bộ II, Cục Quản lý đường bộ IV quản lý và một số địa phương như Lai Châu, Sơn La, Thanh Hóa…
Về công tác quản lý đầu tư xây dựng; Bộ Giao thông vận tải cho biết đã tăng cường công tác quản lý chất lượng, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ triển khai các công trình, dự án, nhất là các dự án trọng điểm của ngành như tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, mở rộng Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, nghiên cứu tiền khả thi đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, thu phí tự động không dừng... Đã kịp thời hoàn thành 16 dự án để đưa vào khai thác; hoàn thành công tác chuẩn bị, triển khai thi công 15 dự án.
 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và các Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải tại hội nghị
Phân tích về nguyên nhân tai nạn giao thông, Bộ Giao thông vận tải cho biết: Đối với lĩnh vực đường bộ, nguyên nhân lớn nhất là do người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường (chiếm 20,51%), còn các vi phạm khác như: vi phạm tốc độ xe chạy chiếm 5,52%, lái xe sử dụng ma túy chiếm 0,04%, lái xe sử dụng rượu bia chiếm 1,46%; về lĩnh vực đường sắt nguyên nhân lớn nhất là do người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, người đi bộ qua đường ngang, lối đi tự mở (chiếm 57,5%). Ngoài
Trong năm 2020, ngành giao thông tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Trong đó, trọng tâm triển khai có hiệu quả chỉ đạo về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện, triển khai quyết liệt các cơ chế, chính sách có ảnh hưởng lớn đến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, như: Xây dựng Luật giao thông đường bộ (sửa đổi); xây dựng Đề án "Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021- 2030 và tầm nhìn đến năm 2050".
Triển khai hiệu quả trong thực tế đối với các Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải; Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin ở cả chiều rộng và chiều sâu, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và hiệu lực thi hành pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải; trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác về tổ chức, điều hành giao thông, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, quản lý đào tạo, cấp giấy phép chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ, đăng kiểm phương tiện.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần