Lan tỏa lối “sống xanh”

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, “sống xanh” không còn là một khái niệm quá mới mẻ mà đã lan tỏa mạnh mẽ, trở thành lối sống tích cực được rất nhiều người hưởng ứng, nhất là giới trẻ. Cốt lõi của lối sống này là hướng đến những giá trị bền vững, có lợi cho thiên nhiên, môi trường.

Những chuyển biến tích cực
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội, xu hướng tái sử dụng đồ dùng để hạn chế rác thải được nhiều chuỗi cửa hàng đồ ăn, uống chọn lựa. Nhiều cửa hàng đã thay thế cốc nhựa bằng những chiếc cốc sứ, thủy tinh, cốc giữ nhiệt; thay thế ống hút nhựa bằng chất liệu giấy, tre, inox. Thói quen sử dụng túi nilon được thay bằng túi giấy, túi vải cùng những ưu đãi dành cho khách hàng hưởng ứng phong trào “sống xanh”, giảm thiểu đồ nhựa cũng dần trở nên phổ biến hơn.
Không chỉ các chuỗi cửa hàng lớn, hiện nay lối "sống xanh" đang len lỏi đến từng khu phố, con ngõ hay mỗi gia đình. Nằm sâu trong con ngõ trên phố Hàng Tre, Hà Nội, Hidden Gem Coffee là quán cà phê độc đáo mang thông điệp bảo vệ môi trường rất ý nghĩa và được nhiều người yêu thích, lấy cảm hứng từ việc sử dụng đồ tái chế.
 Lối sống xanh đang lan tỏa tinh thần sống tích cực vì môi trường.
Theo chia sẻ của anh Nguyễn Văn Thơ, chủ cửa hàng, anh sinh ra lớn lên ở huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh - vốn là nơi phải chịu ảnh hưởng khá nặng nề từ ô nhiễm môi trường. Hidden Gem Coffee ra đời, với mong muốn khơi dậy ý thức vì cộng đồng của lớp trẻ khi đưa ra thông điệp "giảm thiểu - tái sử dụng - tái chế", hạn chế tối đa việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Tại quán, đồ uống được đựng trong chai, cốc thủy tinh, sử dụng ống hút inox, tre thân thiện với môi trường.

Cũng hướng tới mục tiêu vì cộng đồng, với Dương Thùy Dung (Hà Nội), cô chủ của dự án "Một chiếc làn cỏ - loại bỏ túi nilon", xây dựng lối sống xanh đã trở thành niềm đam mê bất tận. Dung chia sẻ, trong một chuyến đi du lịch miền Tây được biết đến chiếc túi, giỏ đan bằng cỏ bàng do người dân nơi đây làm ra. Nhận thấy đây là sản phẩm tiện dụng, chắc bền và thân thiện môi trường nhưng lại không xuất hiện nhiều trong cuộc sống thường nhật, Dung nảy ra ý tưởng kinh doanh sản phẩm này, với mong muốn mỗi chiếc làn được sử dụng đồng nghĩa với việc nhiều túi nilon không cần dùng tới. Với mức giá 30.000 – 55.000 đồng/chiếc, những chiếc làn làm từ cỏ bàng được rất nhiều phụ nữ lựa chọn để mang đi chợ, đi chơi.

Hiện nay, nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực bảo vệ môi trường đang được lan tỏa, hưởng ứng rộng rãi thông qua mạng xã hội. Đó là nhiều bạn trẻ lập các hội, nhóm trên Facebook, Zalo để chia sẻ, trao đổi quần áo, đồ dùng cũ đã qua sử dụng nhằm giảm thiểu lượng rác thải. Hay phong trào “Xóa chân rác - trồng vườn hoa”, “Thu gom pin hết hạn”, “Đổi giấy lấy cây”... cũng được nhân rộng từ những nhóm nhỏ cho thấy, “sống xanh” đang biến thành hành động của nhiều người trong công việc và cuộc sống.

Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức

Thực tế cho thấy, bên cạnh những hành động tích cực vì môi trường, vẫn còn một số người thiếu ý thức, thể hiện rõ nhất ở các điểm vui chơi, khu du lịch ngập tràn rác sau mùa lễ. Những bãi biển lềnh bềnh túi nhựa, lon nước khi đợt khách đã vãn. Những quảng trường vương vãi xác bóng bay, thức ăn thừa khi pháo hoa đã tàn.
Theo GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, để "sống xanh" trở thành lối sống tích cực, lan tỏa trong cộng đồng cần sự chung tay của cả xã hội. Biện pháp quan trọng nhất là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của "sống xanh" đối với môi trường sống và sức khỏe của con người.

"Không nhất thiết phải xắn tay áo đi dọn bãi rác vào mỗi cuối tuần, bạn chỉ cần thay việc vứt một chai nước vào thùng rác bằng cách mang về dùng lại vài lần hay dùng để trồng thêm một mầm xanh. Hoặc thử nghĩ xem, có cách nào để tái chế tập túi nilon đang nằm trong nhà thay vì bỏ chúng đi? Rác sẽ không còn là rác nếu chúng ta tìm ra cách sử dụng chúng" - GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng chia sẻ.

Đối với các DN, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cũng cho rằng, cần hướng mạnh về sản xuất xanh, trong đó ưu tiên giảm mức sử dụng năng lượng, chủ động cải tiến quy trình sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo nhằm tiết kiệm tài nguyên, đặc biệt là ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu đầu vào thân thiện với môi trường.
"Về phía Nhà nước cũng cần xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý; có các chính sách khuyến khích sản xuất sản phẩm xanh, dịch vụ xanh, phát triển những ngành nghề, lĩnh vực có áp dụng công nghệ sạch, đẩy mạnh xanh hóa sản xuất..." - GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng nói.

"Với những công dân thời đại mới, các bạn trẻ cần tận dụng sức mạnh của mạng xã hội để nâng cao ý thức vì môi trường trong cộng đồng, nhân lên những hành đẹp."- GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần