Lan tỏa văn hóa thời đại Hùng Vương

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong lịch sử Việt Nam, thời đại Hùng Vương có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây là giai đoạn mở đầu cho lịch sử dựng nước của dân tộc ta với nhiều giá trị to lớn.

Chính vì vậy, việc bảo tồn, phát huy và ngày càng lan tỏa giá trị văn hóa của thời đại Hùng Vương là nhiệm vụ đặt ra cho các thế hệ sau này.
Thời đại có ý nghĩa quan trọng
Thời đại Hùng Vương đã được các sử gia ghi chép lại từ khá sớm trong các bộ chính sử, tuy nhiên tư liệu chủ yếu dựa trên thư tịch và truyền thuyết. Đó là câu chuyện về họ Hồng Bàng, với sự tích con Rồng cháu Tiên, bọc trăm trứng, truyện Mười tám đời Hùng Vương, truyện Sơn Tinh – Thuỷ Tinh, truyện Thánh Gióng phá giặc Ân, truyện trầu cau, bánh chưng, bánh dày, sự tích quả dưa hấu... Đến năm 1968, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, một chương trình khoa học liên ngành quốc gia nghiên cứu về thời đại Hùng Vương dựng nước ra đời.
 Rước kiệu tại lễ hội Đền Hùng 2019.
PGS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam chia sẻ, trong 50 năm qua, giới nghiên cứu trong nước với sự tham gia của một số nhà nghiên cứu nước ngoài đã có nhiều kết quả khả quan, làm rõ nét hơn về thời đại Hùng Vương trong lịch sử Việt Nam. Trong đó có nhiều vấn đề như nguồn gốc, niên đại thời đại Hùng Vương; Nhà nước, đời sống kinh tế, tổ chức xã hội, văn hóa; những giá trị tiêu biểu, đặc sắc của thời đại Hùng Vương…
Trong suốt chiều dài của lịch sử, giá trị văn hoá thời kỳ Hùng Vương luôn được bảo tồn và phát triển. Đặc biệt, vào thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa những giá trị truyền thống lên một tầm cao mới. “Sống và làm việc ở thế kỷ XX, Người luôn tự hào, tỏ lòng biết ơn thành kính đối với các bậc tổ tiên, những người có công gây dựng đất nước.
Ngày 19/9/1954 trên đường về tiếp quản Thủ đô, Người thắp nén hương tại đền thờ các vua Hùng và căn dặn các chiến sĩ quân đội thuộc Đại đoàn quân Tiên Phong: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Đó là trách nhiệm, là mệnh lệnh tối cao của lãnh tụ vĩ đại đối với quân đội cách mạng, là lời thề thiêng liêng của Bác, của quân đội và Nhân dân đối với anh linh của các vị vua Hùng” – TS Trần Ngọc Tăng – Trung tâm Nghiên cứu và phát triển văn hoá Hùng Vương chia sẻ.
Ngày nay, văn hoá thời đại Hùng Vương phát triển phong phú với nhiều lễ hội tốt đẹp, tục lệ văn hoá có giá trị và sức sống trong lòng Nhân dân như: Tục ăn trầu, tục thờ bà tổ nghề dệt, tục bánh chưng bánh dày, tục bơi chải, tục chơi cờ người và đặc biệt là hát Xoan và giỗ Tổ Hùng Vương.
Theo thống kê của các nhà nghiên cứu, Việt Nam có trên 30 lễ tục thể hiện nhiều ý nghĩa nhân văn, đời sống văn hoá tinh thần đặc trưng văn hoá thời kỳ Hùng Vương của dân tộc Việt Nam.
Tiếp nối dòng chảy
Giá trị thời đại Hùng Vương không chỉ hiện hữu ở tục lệ văn hóa mà còn ở các di sản vật thể. Trong đó, đền Hùng (Phú Thọ) có một giá trị lịch sử to lớn, là nơi thờ tự các bậc tiền nhân có công dựng nước và là nơi cội nguồn dân tộc.
Thạc sĩ Nguyễn Tiến Khôi – Hội Sử học Phú Thọ cho biết: “Bên cạnh việc tu bổ, tôn tạo lại các đền theo hướng bền vững lâu dài giữ được dáng vẻ kiến trúc xưa; tỉnh Phú Thọ còn đề xuất xây dựng thêm các ngôi đền mới thờ Lạc Long Quân, Âu Cơ tại khu di tích lịch sử đền Hùng”. Cũng chính tại nơi đây, hàng năm trở thành nơi tụ hội để hàng triệu con Lạc cháu Hồng về giỗ Tổ vua Hùng.
Trước đây, trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, do nhiều yếu tố nên ngày 10/3 âm lịch hàng năm, Nhân dân ta chưa về dự giỗ Tổ tại đền Hùng. Sau khi đất nước thống nhất, tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XI đã quyết định sửa, bổ sung Điều 73 của bộ Luật Lao động, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương những ngày lễ, trong đó có ngày giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch.
Giỗ Tổ Hùng Vương là đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, các thế hệ tiếp nối nhau luôn biết ơn các thế hệ tiền nhân, tổ tiên, gia đình và dòng họ. Truyền thống đạo lý đó đã phát triển thành một hình thức văn hoá tinh thần và tín ngưỡng dân tộc độc đáo, đó là tín ngưỡng thờ phụng tổ tiên chung của cả dân tộc – các vua Hùng.