Lan tỏa ý thức thượng tôn pháp luật

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cách đây 5 năm, ngày 9/11 (thời điểm ban hành bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, năm 1946) được công bố chính thức là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Ngày Pháp luật năm nay với chủ đề: “Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, thực thi, bảo vệ pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật, góp phần xây dựng nhà nước liêm chính, hành động, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả; xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong đời sống chính trị - pháp lý của đất nước; nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.
Qua 5 năm thực hiện, tinh thần thượng tôn pháp luật đã có sức lan tỏa sâu rộng, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng không chỉ của người dân mà còn nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước từ T.Ư đến địa phương. Người dân được góp ý đối với các dự thảo luật quan trọng, những quy định liên quan trực tiếp tới quyền, lợi ích của mình. Nhiều mô hình hiệu quả hưởng ứng Ngày Pháp luật đã được xây dựng, nhân rộng, thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã có những cách làm hay, sáng tạo trong triển khai thực hiện Ngày Pháp luật.

Thời gian qua, nhiều vụ án oan sai đã được làm sáng tỏ, trả lại thân phận trong sạch cho những người bị kết án oan. Những công dân đó phải kể đến như ông Huỳnh Văn Nén (tỉnh Bình Thuận), ông Hàn Đức Long (Bắc Giang), ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), ông Trần Văn Thêm (Bắc Ninh)… Mới đây, bị cáo Lê Ngọc Hoàng (lái xe container), sau khi bị TAND tỉnh Thái Nguyên tuyên phạt 6 năm tù và buộc bồi thường hơn 400 triệu đồng, dư luận xã hội đã phản ứng. Chánh án TAND Tối cao đã yêu cầu TAND tỉnh Thái Nguyên chuyển toàn bộ hồ sơ gốc liên quan đến vụ án để xem xét. Mọi công dân đều phải có ý thức thượng tôn pháp luật. Nhưng trước hết phải bắt đầu từ đội ngũ cán bộ, công chức ở các cơ quan thực thi pháp luật, đặc biệt là những người được Nhà nước giao cho trọng trách cầm cân nảy mực.

Mặc dù nhận thức pháp luật trong xã hội được nâng lên, nhưng tình hình vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội và các hiện tượng lệch chuẩn xã hội khác vẫn diễn biến phức tạp, tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên vi phạm chủ trương, chính sách, pháp luật bị áp dụng các biện pháp xử lý vẫn còn. Thậm chí vẫn còn không ít người chấp hành pháp luật một cách đối phó. Điển hình như trong một clip trên mạng xã hội mới đây ghi lại hình ảnh hàng trăm người dân điều khiển xe máy dắt ngược chiều trên vỉa hè ở tuyến đường Tố Hữu - Lê Văn Lương. Khi thấy lực lượng cảnh sát giao thông họ đối phó bằng cách xuống xe dắt bộ để tránh bị xử phạt. Đây là những tồn tại rất cần công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thời gian tới tiếp tục cần được đổi mới, lan tỏa rộng hơn giúp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, mỗi cá nhân bằng những hành động cụ thể, thiết thực, chung tay góp phần đưa Hiến pháp, pháp luật đi vào cuộc sống, xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật trong xã hội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần