Làng Chuông (Thanh Oai, Hà Nội): Thăng trầm bên chiếc nón quai thao

Nguyễn Huế, Phương Linh, Ánh Tuyết
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ lâu hình ảnh người phụ nữ Việt Nam mặc áo dài, đầu đội nón lá đã đi sâu vào tâm thức người Việt. Những chiếc nón tuy mộc mạc, giản dị nhưng lại ẩn giấu đằng sau là cả một nghệ thuật chế tác.

Tại Hà Nội, làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai) từ lâu đã được biết đến với nghề truyền thống làm nón lâu đời, thu hút đông đảo khách trong nước và quốc tế. 
Nhóm lại lửa nghề
Sau gần 40 phút đi xe, chúng tôi đến với làng Chuông. Ngay từ khi mới đặt chân đến nơi này, chúng tôi cảm nhận được sự bình dị, mộc mạc qua từng con ngõ, nếp nhà và sự gần gũi, chất phác của con người dân nơi đây. Trong thơ ca xưa, khi nói về làng Chuông, người dân mọi nơi đều biết đến câu thơ lục bát: “Muốn ăn cơm trắng cá trê/ Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông”. Nghề làm nón cổ truyền với những chiếc nón qua bao thăng trầm vẫn giữ được dấu ấn riêng bởi sự chắc chắn, bền bỉ với thời gian và kiểu dáng đẹp.
 Vẻ đẹp của những chiếc nón lá làng Chuông vẫn được lưu giữ đến ngày nay. Ảnh: Phương Linh
Tuy nhiên, người làng Chuông không biết ai là ông tổ của nghề nón. Họ chỉ nghe tổ tiên kể lại chiếc nón ra đời và gắn bó với mảnh đất Chuông giàu văn hóa từ hàng trăm năm trước. Theo lời kể của người dân nơi đây, những chiếc nón trắng đặc trưng của làng Chuông từng được tiến cung dâng hoàng hậu, công chúa trong cung cấm.
Theo lịch sử ghi lại, ông Hai Cát là người có công mang nón Xuân Kiều còn gọi là nón Ba Đồn về làng sản xuất thay thế cho các loại nón cổ.
Thời đó, chiếc nón quai thao là điểm tựa kinh tế vững chắc cho người dân. Nhưng từ khi nền kinh tế thị trường mở cửa, người làng Chuông phải đi khắp nơi bươn chải mưu sinh khiến ngôi làng gần một trăm nóc nhà chỉ còn lưa thưa hình bóng của người già, trẻ nhỏ. Người dân làng Chuông không còn tha thiết về nghề truyền thống, hình ảnh những chiếc nón quai thao dần mai một.

Những năm gần đây, khi đời sống kinh tế phát triển, người dân tìm lại với các giá trị văn hoá truyền thống, nghề làm nón quai thao dần phục hồi. Người dân làng Chuông tiếp tục có cơ hội giữ lửa nghề mà ông cha để lại.
Độc đáo nghề làm nón
Để có thể hiểu thêm về nghề làm nón truyền thống ở làng Chuông, chúng tôi tìm đến nhà ông Phạm Văn Nông (70 tuổi) – một người gắn bó với nghề làm nón từ những ngày thơ ấu. “Gia đình tôi đã làm nón từ rất lâu rồi. Ai cũng đều biết làm hết. Trẻ con trong gia đình cũng có thể phụ giúp người lớn những công việc nhỏ”, ông cho biết.
 Ông Phạm Văn Nông say sưa làm nón. Ảnh: Phương Linh
Theo tìm hiểu của phóng viên, những chiếc nón có vẻ ngoài đơn giản nhưng để làm ra một sản phẩm hoàn thiện đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ. Theo những người làm nón lâu năm, công đoạn đầu tiên để làm nón là phải chọn được những chiếc lá cọ xanh từ Phú Thọ về. “Lá phải được phơi nắng cho đến khi màu xanh của lá chuyển sang màu trắng bạc. Những chiếc lá khô cong queo sẽ được mang đi phơi sương cho mềm lá, sau đó được là phẳng, không giòn, không rách. Khi đó, lá trở nên dai và mềm hơn, giúp nón có độ bền lâu hơn. Nước mưa vì thế cũng sẽ không thấm đọng ở trên mà trơn tuột chảy xuống dưới” – ông Nông chia sẻ.
 Những chiếc lá mo được lựa chọn cẩn thận để làm nên chiếc nón bền đẹp - Ảnh: 

Phương Linh

Ngoài công đoạn chọn lá, người dân làng Chuông của tỉ mỉ trong việc làm vòng nón. Bộ phận này được làm bằng cật nứa vót nhỏ và đều, khi nối bắt buộc phải tròn và không chắp, không gợn. Vành tre được vót tỉ mỉ, cẩn thận đến mức không tìm được các vết mấu.
Chóp nón được ông Nông đan bằng tay, sợi cước trắng mềm được ông sử dụng là loại cước chỉ miền Nam mới có. Mỗi một loại nón lại có một chóp khác nhau, nón ba tầm sử dụng chóp bằng, dày hơn, cứng hơn, trong khi đó nón lá truyền thống lại dùng chóp nhọn mềm và mảnh hơn.
 Những chi tiết nhỏ như chóp nón cũng được ông Nông tỉ mỉ đan bằng tay. Ảnh: 

Phương Linh

Những chiếc nón lá trắng tròn trịa thường còn được trang trí cầu kì hơn bằng họa tiết, hình thêu theo yêu cầu của người mua như hình hoa lá, hình cánh buồm, hình cô gái, đôi khi chỉ đơn giản là 6 chữ “Nghề truyền thống nón làng Chuông” giản dị nhưng vẫn rất nổi bật.
Theo ông Nông, một ngày chỉ làm được một chiếc nón. Đối với người lao động bình thường, giờ làm việc một ngày là 8 tiếng, còn với những người làm nón, một ngày 12 tiếng nhưng cũng chỉ đủ để làm một chiếc nón, thậm chí những loại nón lớn như nón ba tầm, nón quai thao phải làm trong 2 ngày. Điều đặc biệt về sản phẩm nón của gia đình ông Nông là nón không bán ở chợ, chỉ làm theo đơn đặt hàng của khách hàng.
 Chiếc nón chứa đựng niềm tự hào của người dân làng Chuông. Ảnh: Phương Linh
Ngày nay, các bậc cao niên ở làng Chuông vẫn luôn chú tâm truyền dạy nghề làm nón cho con cháu. Du khách có thể bắt gặp bất cứ nơi đâu trong làng hình ảnh những cô bé, cậu vừa phụ giúp mẹ bán nón vừa học cách khâu nón. Mỗi chiếc nón đong đầy tình cảm, đam mê của nhiều thế hệ dày công gìn giữ nghề của cha ông để lại. Người làng Chuông càng tự hào hơn khi ngày càng có nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế đến để tìm hiểu về nghề truyền thống của làng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần