Làng Cót nhộn nhịp ngày cuối năm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ lâu, làng Cót (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) nổi tiếng với nghề sản xuất hàng mã cùng biệt danh “làng ngân hàng địa phủ”. Nhưng không phải ai cũng biết đây còn là làng khoa bảng nức tiếng chốn kinh kỳ.

Sản xuất hàng mã tại làng Cót
Sản xuất hàng mã tại làng Cót
Ngay từ những ngày đầu tháng Chạp, dân làng Cót đã “vào cầu” kinh doanh tiền tệ cho người cõi âm. Đi dọc những phố chính: Yên Hòa, Hoa Bằng, Nguyễn Khang của làng, số cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm vàng mã chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ấy nhưng, hỏi mua bất cứ loại tiền âm phủ, vàng mã nào thì bao nhiêu cũng có. Mỗi ngày, hàng chục chuyến xe tải “cõng” vàng mã từ làng đi khắp nơi. Bởi thế, nhiều người còn ví đây là “tổng kho đồ đạc cho người âm phủ". Nghe các cụ cao niên kể lại, công nghệ in vàng mã ngày xưa khá đơn giản: Đặt các khuôn in bằng gỗ mít, gỗ vàng tâm ở phố Hàng Quạt; mài mực ta hoặc mài viên đá non màu gụ, màu hồng mài ra để in tiền giấy. Công nghệ in thủ công khá vất vả, tốn nhiều công. Ngày mưa phùn, giấy ẩm, muốn giấy mau khô, phải đốt lửa để sấy, sơ ý một chút là “bà hỏa” nổi dậy “mất cả chì lẫn chài”. Nhưng giờ đây, sản xuất vàng mã ở làng Cót đã khác xưa rất nhiều. Tuy không còn nhiều gia đình theo nghề này, nhưng công nghệ in đã được cải tiến, cho ra sản phẩm sắc nét, đẹp hơn nhiều lần, năng suất, thu nhập cao hơn. Việc in tiền ở làng Cót cũng rất thức thời. Trần sao âm vậy, nên mặt hàng tiền âm của làng Cót đầy đủ, phong phú về chủng loại, từ lá bạc, lá vàng, xu xanh, xu vàng..., tới tiền đô la Mỹ, ngựa, nhà lầu, xe hơi, điện thoại, thậm chí là máy bay, chẳng thiếu thứ gì.

Không chỉ nổi tiếng với biệt danh “làng ngân hàng địa phủ”, làng Cót còn có truyền thống hiếu học và khoa bảng, nằm trong “tứ danh hương” (Mỗ, La, Canh, Cót) của huyện Từ Liêm xưa với 10 tiến sĩ và gần 30 hương cống thời Hậu Lê và 9 cử nhân thời Nguyễn, chỉ sau làng Vẽ (Đông Ngạc). Ngôi đình dựng lại vào năm Minh Mạng thứ 13 (1832); nhà thờ của dòng họ các Tiến sĩ Hoàng Quán Chi, Nguyễn Như Uyên, Nguyễn Xuân Nham còn đến ngày nay là minh chứng cho truyền thống hiếu học thành đạt của người làng Cót xưa. Tham quan “làng ngân hàng địa phủ”, du khách còn có dịp thưởng thức món bánh cuốn độc đáo vừa thơm, vừa ngậy, ăn no vẫn không thấy ngán.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần