[Làng Cự Đà - Làng cổ, nghề xưa mai còn không?] Bài 2: Người trẻ muốn phá nhà cổ

Trương Minh Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ở làng cổ Cự Đà, nhiều ngôi nhà xuống cấp, nhiều gia đình có điều kiện rất muốn tu sửa hiện đại. Tuy nhiên, các cụ trong làng, chính quyền thôn thì đau đáu muốn bảo tồn làng cổ.

Tuy đã có rất nhiều đề nghị, rất nhiều các cuộc tiếp xúc cử tri, các ý kiến về bảo tồn làng cổ đã được người dân và chính quyền địa phương kiến nghị lên cấp trên, nhưng Cự Đà vẫn chưa được công nhận là làng cổ và chưa nhận được sự quan tâm của ngành chức năng trong bảo tồn di sản.
Trước nguy cơ xóa sổ

Điều đáng tiếc nhất ở Cự Đà chính là quy hoạch của làng cổ đã bị phá vỡ hoàn toàn. Người trong làng Cự Đà vẫn rỉ tai nhau, từ khi có tiền từ đền bù đất (80% diện tích đất nông nghiệp của Cự Đà đã, đang tiếp tục bị thu hồi phục vụ cho các dự án phát triển đô thị, kinh tế - xã hội), rất ít người trong làng muốn giữ lại nhà cổ, nhất là những người trẻ tuổi vì những bất tiện trong sinh hoạt mà họ phải trải qua hằng ngày.
 Làng Cự Đà ngày nay. Ảnh: Phạm Hùng
Chính vì thế mà “cơn lốc đô thị hóa” đã len lỏi đến mọi gia đình. Giờ vào các ngõ, tất cả chỉ là những ngôi nhà bê tông cao vút, hiếm hoi mới gặp được mái nhà còn giữ ngói mũi rêu phong. Thống kê sơ bộ của xã Cự Khê cho thấy, giai đoạn 1945 -1975, làng Cự Đà có đến hơn 100 ngôi nhà cổ, niên đại từ 100 - 130 năm, nhưng đến nay chỉ còn 51 ngôi.
Song song với tình trạng phá nhà cổ xây dựng nhà mới thì những ngôi nhà còn tồn tại đến ngày nay cũng đang đứng trước nguy cơ bị biến mất. Người trẻ di cư khỏi làng đến trung tâm TP làm ăn, hoặc có ở làng thì cũng phá bỏ nhà cổ để dựng những ngôi nhà bề thế khang trang phục vụ tiện ích cuộc sống, hơn là giữ ngôi nhà cổ vừa khó bề sinh hoạt, vừa tốn kém bảo tồn.

Theo Chủ tịch UBND xã Cự Khê Đặng Anh Phương, có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này, trong đó cơ bản nhất là xuất phát từ nhu cầu cuộc sống của người dân. “Mỗi gia đình đều có thêm nhiều thế hệ nên sinh sống trong một ngôi nhà cổ là rất khó khăn và bất tiện. Việc họ phá dỡ để xây dựng những ngôi nhà cao tầng cho tiện bề sinh hoạt là điều khó tránh khỏi. Chúng tôi chỉ biết tuyên truyền cho người dân hiểu để bảo tồn chứ cũng không thể giúp đỡ gì hơn. Nếu muốn sửa sang lại nhà cổ theo đúng nguyên gốc cũng rất tốn kém, người dân không có tiền" - ông Phương phân trần.
Theo quan điểm của lãnh đạo xã Cự Khê và những lời chia sẻ từ tâm can của chính người dân Cự Đà thì bản thân họ rất muốn giữ lại nhà cổ, nhưng “giữ bằng cách nào và với cơ chế, chính sách gì?” thì lại là câu hỏi họ đã đặt ra từ lâu nhưng chưa có lời đáp.

Cứ theo đà xây dựng của cơn lốc đô thị hóa đang lan nhanh ở Cự Đà, tương lai nhìn thấy trước mắt của nhà cổ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Cả làng Cự Đà như biến thành một đại công trường tấp nập. Mọi ngõ ngách trong làng, từ đầu thôn đến cuối xóm, chỗ nào cũng thấy nhà mới đang mọc lên, gạch cát tập kết mọi chỗ có thể, vương vãi đầy đường, mất mỹ quan vô cùng.

Nỗi niềm giữ nhà cổ

Chia sẻ về nỗi niềm giữ nhà cổ, ông Đinh Tân Thịnh - chủ nhân căn nhà cổ làng Cự Đà tâm sự: “Trong tâm tôi chưa bao giờ muốn phá nhà cổ đang ở. Các con tôi cũng từng đề đạt nguyện vọng này để xây dựng nhà mới, nhưng tôi quyết giữ. Nhưng chẳng biết khi tôi chết đi, các con tôi có giữ được không?”. Gia đình ông Nguyễn Văn Bảo và bà Trịnh Thị Hồng cũng vậy, họ phải gắng gượng bằng nhiều cách để giữ lại ngôi nhà có kiến trúc Pháp mà họ rất yêu quý và trân trọng. Ngôi nhà được giữ gìn rất cẩn thận, tường, gạch, cổng, sân đều đã rêu phong hoen ố.
Ở phía ngoài, mọi thứ vẫn còn được giữ nguyên vẹn với những phù điêu, họa tiết phương Tây đắp nổi. Nhưng ở phía trong ngôi nhà gần như chỉ còn lại tường bao quanh, các cửa kính đã phải thay do bị vỡ. Bà Hồng cho biết: “Sống trong ngôi nhà tuổi đã hơn 100 năm, lại được xây dựng bằng vôi vữa nên cũng lo lắng mỗi khi mưa gió, giờ mà sửa chữa như kiểu cổ cũng khó lòng kham được”.

Đáng trân trọng nhất là người dân đã biết giữ gìn di sản trước ma lực của đồng tiền. Với ông Thịnh, đã từ chối thẳng thừng lời trả giá của người mua đồ cổ cho đôi nghê đến 180 triệu đồng; với gia đình ông Bảo, bà Hồng, đã nhiều lần phải tiếp khách và từ chối lời hỏi mua bộ bát tiên gắn ở ngay trên cửa chính ra vào. Dù như thế nào thì khi nghe những lời này cũng thấy mừng cho làng Cự Đà, vì với những con người biết hy sinh cái riêng thì hy vọng những hình ảnh cuối cùng của làng cổ sẽ vẫn được giữ lại trong tương lai gần. Mong mỏi lớn nhất của chính quyền xã Cự Khê cũng như người dân làng Cự Đà bây giờ là được Nhà nước quan tâm, có cơ chế, chính sách để phát huy, bảo tồn các giá trị làng cổ.

Chứng kiến tận mắt, chúng tôi nhận thấy hầu hết các ngôi nhà cổ ở Cự Đà đều đã xuống cấp nghiêm trọng, để bảo đảm cuộc sống, người dân đã tự ý sửa chữa nhiều hạng mục công trình trong các ngôi nhà. Nhiều người hoài cổ trong làng đã không khỏi xót xa bởi những đoạn đường lát gạch xếp nghiêng, nhưng giờ đây đã bị thay thế bằng đường bê tông, cây cột điện đầu tiên của làng được xây dựng từ năm 1929 cũng đã không còn nữa.
Cứ đà này, chỉ vài năm nữa những ngôi nhà cổ này sẽ dần mai một. Trong lúc nhiều cơ quan văn hóa đi xây dựng lại mô hình làng Việt mới toanh ở đâu đó, thì trớ trêu thay, làng Việt cổ Cự Đà còn nguyên đặc trưng thì lại chưa được chú ý đúng mức; các di sản kiến trúc trong làng có nguy cơ đang dần bị xóa sổ bởi trào lưu đô thị hóa.

"Nghiên cứu, khảo sát của Viện Bảo tồn di tích 10 năm trở lại đây cho thấy, tốc độ thay đổi, mất mát của các làng cổ trên địa bàn Hà Nội diễn ra khá nhanh, đặc biệt là trong ba năm gần đây. Nhiều ngôi làng chỉ ba năm sau khi đoàn khảo sát quay lại đã gần như biến mất. Do sự biến đổi về phương thức canh tác, lối sống... đã làm thay đổi cả vật chất và tinh thần của các làng. Cũng bởi dân số tăng, nhiều gia đình phải chia nhỏ mảnh đất cha ông để lại cho các con xây nhà ở riêng chứ không chung sống theo kiểu gia đình ba, bốn thế hệ trong ngôi nhà truyền thống chật hẹp. Qua đó, nhiều làng chỉ còn có ý nghĩa của cái tên vì trên thực tế nó đã thay đổi rất nhiều như các làng Ngọc Hà, Nhật Tân..." - GS.TS Phạm Ðình Việt (Trường ÐH Xây dựng Hà Nội)


"Hiện Hà Nội có duy nhất làng cổ Ðường Lâm được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, còn lại hơn 60 làng được đề xuất đưa vào danh mục nghiên cứu lựa chọn công nhận là làng cổ, trong đó có những làng nổi tiếng như Ðông Ngạc (Từ Liêm), Cự Ðà (Thanh Oai), Vân Từ (Phú Xuyên), Bát Tràng (Gia Lâm), Ðại Áng (Thanh Trì)...

Mỗi làng đều có những đặc thù riêng, lưu giữ hình ảnh quá khứ đẹp đẽ và giá trị nhưng đang phải chịu áp lực nhiều mặt về sự phát triển dân số, kinh tế, cơ cấu dân cư, lối sống... Nguy cơ phá vỡ cấu trúc không gian làng truyền thống là rất lớn, làm cho quỹ di sản văn hóa Hà Nội bị vơi cạn. Và để từ danh sách đề xuất đến khi được công nhận đưa vào danh mục, có những biện pháp bảo tồn còn là cả một chặng đường dài..." - Nguyên Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trương Minh Tiến

(còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần