[Lăng kính văn hóa] Bớt vui để giữ an toàn

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịp lễ mừng đất nước thống nhất 30/4 và Ngày quốc tế lao động 1/5 trùng khớp với thời điểm dịch Covid -19 lây nhiễm trở lại trong cộng đồng. Các chương trình văn hóa - nghệ thuật, các hoạt động giải trí phục vụ cộng đồng đều đã lên khung, chuẩn bị sáng đèn nhưng đến sát giờ biểu diễn vẫn quyết định dừng lại để đồng lòng chống dịch.

Từ trước dịp nghỉ lễ gần một tháng, Sở VH&TT Hà Nội đã giao cho Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội, phối hợp đơn vị nghệ thuật T.Ư và Quân đội… lên kịch bản tập luyện, chuẩn bị những chương trình đặc sắc nhất để tổ chức 30 buổi biểu diễn tại nhà văn hóa 30 quận, huyện. Không chỉ thế, 5 sân khấu ngoài trời ở các điểm biểu diễn tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình, sân khấu vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ… cũng dự kiến sẽ là những chương trình nghệ thuật hoành tráng, ca ngợi Đảng, đất nước. Tuy nhiên, đến giờ G chuẩn bị biểu diễn, vì diễn biến phức tạp của các ca bệnh lây lan trong cộng đồng, thực hiện chỉ đạo của UBND TP, Sở VH&TT Hà Nội quyết định dừng tất cả các chương trình nghệ thuật trên theo tiêu chí giảm vui nhưng an toàn.

Không chỉ dừng lại ở đó, đúng 17 giờ ngày 3/5, theo đúng tinh thần chỉ đạo của TP, toàn bộ các di tích trên địa bàn TP đã chính thức đóng cửa tạm dừng đón khách. Mặc dù trước đó, trong dịp nghỉ lễ, các cơ sở di tích như đền Ngọc Sơn, di tích Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội… đã quyết liệt phòng dịch, sẵn sàng nói không đón khách nếu người dân không chấp hành quy định 5K của Bộ Y tế. Song, khi những ca bệnh còn ẩn nấp trong cộng đồng, việc truy vết ngày càng phức tạp thì việc đóng cửa di tích, hạn chế tập trung nơi công cộng là cần thiết. Với các chủ cơ sở di tích thực hiện với tinh thần giảm thu, giảm đông để phòng dịch là điều quan trọng nhất ở thời điểm này.

Dịch bệnh kéo đến, khiến cả nước có một dịp kỷ niệm và kỳ nghỉ không trọn vẹn. Muốn hay không, chúng ta lại phải học cách thích ứng với một trật tự mới được xác lập khi có dịch. Bên cạnh đó, những yêu cầu về sự trung thực, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định là điều cần thiết. Cho dù không thể nhận việc phát sinh các đợt dịch đã ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động của lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, song cuộc chiến ấy sẽ vô cùng dai dẳng, khi mà thực tế đã chứng minh: Covid-19 không phải trận bão ập tới tàn phá rồi lại ào qua, mà là sự giấu mặt âm ỉ và dai dẳng, để rồi có thể bùng lên và tạo ra thảm họa bất cứ khi nào. Do vậy, mỗi người, mỗi đơn vị cần góp phần ngăn chặn thảm họa đó.