Làng mai trắng dưới chân núi Tản Viên

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 20 năm bén rễ trên miền đất đồi gò thuộc xã Tản Lĩnh (Ba Vì, Hà Nội), cây mai trắng đã vươn mình, trở thành một trong những cây trồng có giá trị kinh tế cao, góp phần làm thay đổi diện mạo miền quê nằm dưới chân núi Tản Viên.

Những triệu phú nông dân

“Các anh có tin là làm nông dân mà kiếm được 1 - 2 tỷ đồng mỗi năm không?”, ông Khuất Duy Trường - Trưởng thôn An Hòa (xã Tản Lĩnh) hồ hởi khoe khi chúng tôi tìm về làng này. Trong câu chuyện về nguồn gốc cây mai trắng, cái tên Đỗ Mạnh Quân được ông Trường nhắc đến đầu tiên.
ddfnhf n
Năm 1995, ông Quân là người đầu tiên mang giống mai trắng từ “vựa cây cảnh đất Bắc” - Nam Điền (Nam Định) về trồng trên những sườn đồi dưới chân núi Tản Viên (thuộc địa phận thôn An Hòa). Tuy nhiên, do nhu cầu thị trường thấp, cùng với kỹ thuật chăm sóc hạn chế, cây mai trắng chưa phát huy được giá trị kinh tế như mong đợi. Sau một vài năm, cây mai trắng gần như bị… thất sủng.

Nhiều hộ dân nơi đây vẫn trồng, nhưng chỉ để làm cảnh, cho vui cửa vui nhà. Mãi tới năm 2005, một số thanh niên trong làng, với sự sáng tạo đã “bắt” cây mai trắng nở rộ dưới chân núi Tản mỗi độ Xuân về. Từ những gốc mai trắng còn sót lại, người dân nơi đây tiến hành chiết ghép, giâm cành, tạo nên những diện tích mai trắng rộng hàng chục héc-ta.

Trong số những hộ phát đạt nhờ nghề trồng mai, có thể kể tới hộ anh Đỗ Quang Hải. Hiện, gia đình anh sở hữu gần 1.500 gốc mai trắng. Với mức giá bán ra thị trường dịp tết trung bình khoảng 1 - 3 triệu đồng/cây, gia đình anh không năm nào thu về dưới tiền tỷ.

Cùng với gia đình anh Hải, hộ anh Khuất Duy Thế cũng nổi tiếng khắp chợ Bưởi (quận Cầu Giấy), chợ c
ây cảnh quận Hà Đông. Mỗi dịp lễ tết, gia đình anh Thế cung ứng cho hai chợ trên hàng ngàn chậu mai trắng với đủ kích cỡ, kiểu dáng.

Nhiều bà con chia sẻ, mai trắng có giá từ 2 - 3 triệu đồng/chậu là rất bình dân. Không ít chậu mai trắng được bán hoặc cho thuê với giá lên đến cả chục triệu đồng. Cũng nhờ thu nhập khá từ cây mai trắng, nhiều hộ dân thôn An Hòa không chỉ thoát nghèo, mà còn có “của ăn của để”.

“Được mùa” những nụ cười

So với các giống đào, cây mai trắng dễ chăm sóc hơn. Tuy nhiên, khó khăn nhất là nhân giống và tạo thế cho cây. Đây cũng là hai yếu tố hết sức quan trọng giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao giá trị kinh tế của cây mai trắng.

Theo anh Khuất Duy Thế, từ khi cắm rễ cho tới khi cây đủ lớn để thu hoạch cần khoảng thời gian ít nhất hai năm. Nếu muốn có sản phẩm to, đẹp hơn, người trồng mai trắng phải chăm sóc cây ròng rã từ 5 - 7 năm, thậm chí là lâu hơn. Bù lại, những chậu mai trắng khi đó cũng bán được giá hơn, có chậu lên tới vài chục triệu đồng.

Mai trắng góp phần làm trù phú cho vùng đất dưới chân núi Tản Viên một phần cũng bởi trên địa bàn TP hiện không nơi nào có đủ điều kiện thuận lợi để trồng loại cây này.

Thậm chí, như ông Phạm Đình Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh chia sẻ, xã có 7 thôn nhưng chỉ thôn An Hòa có thể phát triển nghề trồng cây mai trắng. Toàn thôn hiện có khoảng 240 hộ thì gần 60% gia đình tham gia trồng mai trắng và các loại cây công trình khác (đa, mít, dừa).

Nhờ cây mai trắng, thu nhập của người dân trong thôn liên tục tăng qua các năm. Nhiều hộ có thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Số hộ nghèo trong thôn hiện chỉ còn đếm trên đầu ngón tay…

Cứ mỗi độ Xuân về, những chuyến xe chở đầy mai trắng từ ngôi làng nhỏ nằm dưới chân núi Tản Viên lại nối đuôi nhau, nườm nượp hướng về Thủ đô. Dọc những khu chợ Bưởi
… sắc trắng hoa mai ngập tràn, tô thắm cho không khí tết của Thủ đô. Giữa rừng mai khoe sắc, người ta thấy cả những nụ cười như được mùa hiện lên trên khuôn mặt rạng rỡ của người nông dân. Năm nay, những ngôi nhà lợp mái đỏ au nằm yên bình dưới chân núi Tản Viên sẽ thêm phần ấm áp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần