Làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm: Không thay đổi, khó phát triển

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn TP hiện có khoảng 70 làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm. Tuy nhiên, hầu hết các làng nghề có quy mô nhỏ, trình độ sản xuất hạn chế; kéo theo đó là nguy cơ cao mất an toàn thực phẩm (ATTP).

Đoàn liên ngành kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại một cơ sở sản xuất tương ớt. Ảnh: Lâm Nguyễn
Chưa vơi nỗi lo
Là cơ sở sản xuất bánh kẹo lớn nhất tại làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), tuy nhiên, kết quả kiểm tra của lực lượng liên ngành Sở NN&PTNT Hà Nội mới đây cho thấy, cơ sở Hiền Bao lại chưa bảo đảm các điều kiện về ATTP.

Không gian chế biến nhỏ hẹp, chưa bảo đảm theo nguyên tắc một chiều; thiếu quy trình sản xuất. Một số công đoạn vẫn dùng bếp than gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe người lao động và chất lượng sản phẩm bánh kẹo. Không chỉ vậy, đội ngũ nhân công tại khu xưởng cũng không có trang phục bảo hộ, không đeo găng tay trong quá trình làm bánh kẹo…

Tương tự, tại làng nghề Cổ Hoàng, xã Hoàng Long (huyện Thường Tín). Được biết đến là một trong những làng nghề sản xuất bánh kẹo lớn nhất Hà Nội với sản lượng hàng chục tấn mỗi ngày nhưng vấn đề ATTP tại đây vẫn là một mối lo. Điều kiện sản xuất của nhiều cơ sở hết sức sơ sài và chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP dù đã hoạt động hàng chục năm qua…

Hai ví dụ trên cho thấy, vấn đề ATTP tại các làng nghề hiện vẫn là nỗi lo lớn. Điều này có thể ảnh hưởng tới nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, đặc biệt là sức khỏe của người tiêu dùng. Bởi không chỉ mang lại giá trị kinh tế lớn, sự phát triển của các làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm còn góp phần quan trọng cải thiện đời sống cho hàng vạn lao động nông thôn.

Để làng nghề “cất cánh”

Để các làng nghề phát triển ổn định, bền vững, việc bảo đảm các điều kiện ATTP là rất cần thiết. Trên thực tế, mục tiêu này đòi hỏi nguồn ngân sách lớn. Đây cũng chính là khó khăn lớn nhất mà hầu hết các làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm trên địa bàn TP đang gặp phải.

Trong bối cảnh ngân sách TP hiện khá hạn chế, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội Ngô Đình Loát khuyến nghị, các địa phương cần quan tâm, nghiên cứu phương thức hỗ trợ đầu tư phù hợp nhằm giúp các cơ sở chế biến nông sản, thực phẩm tại các làng nghề từng bước cải thiện điều kiện sản xuất. Bên cạnh đó, cần lồng ghép các dự án phát triển làng nghề vào định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung tại địa phương…

Ghi nhận công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP từ đầu năm 2019 của ngành NN&PTNT Hà Nội cho thấy, hầu hết các cơ sở chế biến nông sản, thực phẩm có quy mô khá trở lên tại các làng nghề có độ an toàn tương đối cao. Tuy nhiên, với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ thì vấn đề ATTP vẫn rất đáng lo ngại.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, để đáp ứng đòi hỏi thị trường, các địa phương cần thúc đẩy phát triển làng nghề theo hướng tập trung xa khu dân cư. Thành lập và đưa các cơ sở vào hoạt động tại các cụm công nghiệp làng nghề có kiểm soát ATTP. Đối với các cơ sở, cần xây dựng quy trình khép kín, tiến tới chuyên nghiệp hóa sản xuất. Ông Tường cũng đề nghị các địa phương cần thúc đẩy phát triển làng nghề gắn với du lịch cộng đồng. Đẩy mạnh các cơ sở sản xuất theo chuỗi, vì “chỉ khi thay đổi phương thức thì điều kiện sản xuất mới có thể được cải thiện”. Cùng với đó là tích cực, chủ động phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra gắn với hậu kiểm; xử lý nghiêm các vi phạm dù là nhỏ nhất. Chỉ khi đó mới tạo được sức răn đe, ngăn ngừa các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần