Lắng nghe để tạo sự đồng thuận

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làm tốt công tác dân vận, đề cao vai trò của Nhân dân trong giám sát cộng đồng, lắng nghe Nhân dân để kịp thời tháo gỡ khó khăn… là những cách làm hay đem lại hiệu quả thiết thực của xã Đại Áng, huyện Thanh Trì trong việc học tập, làm theo tư tưởng, phong cách của Bác về “dân vận khéo”.

Người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa xã Đại Áng, huyện Thanh Trì. Ảnh: Thùy Linh
Hiệu quả nhờ giám sát cộng đồng
Những ngày này, đi qua đường liên thôn của xã Đại Áng, mọi người không khỏi ngỡ ngàng khi đường làng, ngõ xóm luôn khang trang, sạch đẹp với những hàng hoa dạ yến thảo hay những công trình được xã hội hóa. Đây là hiệu quả có được từ huy động nguồn lực của chính Nhân dân.
Công tác phát huy dân chủ, thường xuyên nắm bắt tình hình, tuyên truyền, vận động Nhân dân cực kỳ quan trọng. Lãnh đạo, cán bộ từ xã đến thôn giỏi đến mấy mà Nhân dân không ủng hộ thì không thể làm việc được.

Phó Chủ tịch HĐND xã Đại Áng Nguyễn Thị Quy

Theo Chủ tịch MTTQ xã Đại Áng Nguyễn Phúc Ninh, để tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, bên cạnh sự sâu sát của lãnh đạo địa phương, nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, xã Đại Áng luôn công khai, minh bạch, bàn bạc dân chủ với Nhân dân trong việc xã hội hóa các công trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Cách làm của địa phương là Nhà nước cung cấp vật tư, Nhân dân xã hội hóa bằng ngày công, tiền của, tài sản đầu tư xây dựng công trình phúc lợi và tham gia giám sát trực tiếp trong quá trình xây dựng. Cách làm này đã tạo được sự đồng thuận rất lớn trong Nhân dân. “Mỗi xóm đều thành lập một tiểu ban để giám sát trực tiếp các công trình. Nhờ đó, việc xây dựng NTM ở cơ sở đảm bảo tiêu chí đề ra, góp phần làm thay đổi bộ mặt xã”- ông Ninh cho hay.

Chia sẻ về cách làm trong quá trình xây dựng NTM, ông Nguyễn Văn Khải - Bí thư Chi bộ 1, thôn Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng cho hay, với các khoản đóng góp xây dựng NTM đều được Nhân dân nhất trí bầu ra một trưởng thôn là trưởng ban. Mỗi xóm bầu ra các tổ trưởng. Việc huy động nguồn lực, kinh phí trong Nhân dân được thôn Vĩnh Thịnh chia thành các khoản đóng góp nhỏ, thu theo nhiều tháng để các hộ có khó khăn về kinh phí vẫn đủ điều kiện để tham gia. Chẳng hạn, một nhân khẩu phải đóng góp xây dựng ngõ, xóm là 1 triệu đồng, thôn thu trong 5 tháng, mỗi tháng thu 200.000 đồng. Quan trọng nhất, tất cả các khoản đóng góp từ trước tới nay thôn đều bàn bạc với Nhân dân một cách công khai, minh bạch. Nhờ đó, trong quá trình xây dựng NTM, ở thôn không có ý kiến khiếu nại, tố cáo từ phía người dân.

Giải quyết kịp thời nhờ bàn bạc công khai

Với tinh thần luôn tôn trọng Nhân dân nên trong quá trình xây dựng NTM, xã Đại Áng đã tổ chức rất nhiều hội nghị bàn bạc với Nhân dân về việc vận động, hiến đất, mở đường cũng như đóng góp kinh phí… Đặc biệt, trong 2 năm gần đây, xã thường xuyên tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu với Nhân dân. Qua hội nghị, nhiều vấn đề đã được giải quyết kịp thời.

Bí thư Đảng ủy xã Đại Áng Trần Quốc Oai cho biết, mỗi dự án liên quan đến xây dựng NTM, đặc biệt trong việc xã hội hóa như hiến đất làm đường... đều có sự tuyên truyền để người dân hiểu, chung sức, đồng hành cùng Đảng bộ, chính quyền. Kết quả, các hộ dân đã hiến hàng nghìn mét vuông đất và ngày công lao động.

Nhờ làm tốt công tác dân vận, thời gian qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được xã thực hiện có hiệu quả, có nhiều điển hình được xây dựng: Đoạn đường nở hoa của hội phụ nữ; các thôn Vĩnh Thịnh, Vĩnh Trung, Đại Áng vận động Nhân dân trồng được 7.500 cây ăn quả ở 3 dự án chuyển đổi... Quy chế dân chủ ở cơ sở được thực hiện có hiệu quả, 4/4 thôn đã tổ chức chỉnh sửa bổ sung Quy chế xây dựng làng văn hóa, Quy chế quản lý nghĩa trang; vận động Nhân dân xã hội hóa đóng góp 1,8 tỷ đồng cải tạo các công trình công cộng. Đặc biệt, xã triển khai thực hiện nghiêm túc việc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với đại diện Nhân dân năm 2018. Qua đối thoại đã tháo gỡ nhiều vướng mắc của Nhân dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần