Lắng nghe để tháo gỡ

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 2.000 câu hỏi của bà con nông dân cả nước, các chuyên gia, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp… đã được gửi tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhân Hội nghị “Thủ tướng đối thoại với nông dân” diễn ra ngày hôm nay (10/12) cho thấy sức nóng của sự kiện này.

Lần thứ hai được tổ chức, sự kiện một lần nữa nhận được sự háo hức đón chờ của hàng triệu nông dân cả nước trong bối cảnh nông nghiệp, nông thôn còn nhiều bộn bề khó khăn cần tháo gỡ.
Trong những năm qua, Đảng, Chính phủ và địa phương đã dành sự quan tâm lớn đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, từ cơ chế chính sách đến nguồn lực đầu tư. Tuy nhiên, thực tế nông dân vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, việc liên kết sản xuất còn hạn chế, đầu ra cho nông sản còn bấp bênh.
Tại Hội nghị “Thủ tướng đối thoại với nông dân” lần đầu tiên diễn ra vào tháng 4/2018 ở Hải Dương, cũng có hơn 1.000 câu hỏi được nông dân cả nước gửi đến Thủ tướng. Rất nhiều giải pháp tháo gỡ được Thủ tướng chỉ đạo xung quanh các vấn đề thị trường nông sản, chính sách vốn và đất nông nghiệp, công nghệ và quản lý vật tư nông nghiệp… đã đi vào cuộc sống và có sự chuyển biến. Đáng chú ý, ngay sau cuộc đối thoại đó, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 6158/VPCP-QHĐP truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành cùng vào cuộc tháo gỡ ngay những vướng mắc cho nông dân.
Có thể nói, 2019 là một năm đầy khó khăn với ngành nông nghiệp khi dịch tả lợn châu Phi hoành hành trên phạm vi cả 63 tỉnh, thành trên cả nước; nông sản vẫn trong tình cảnh “được mùa rớt giá”, ùn ứ tại nhiều cửa khẩu… Theo Bộ NN&PTNT, dự kiến năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của nước ta sẽ đạt khoảng 41,3 tỷ USD, thấp hơn so với mục tiêu 43 tỷ USD đề ra từ đầu năm. Điều đó cho thấy, thách thức với ngành nông nghiệp vẫn còn rất lớn trong thời gian tới.
Bởi vậy, lần thứ hai có dịp được đối thoại với người đứng đầu Chính phủ, hàng triệu nông dân cả nước khấp khởi mừng vui, hy vọng Thủ tướng sẽ tiếp tục tháo gỡ những “điểm nghẽn” để khơi thông nguồn lực, tạo đà cho nông nghiệp, nông thôn phát triển. Đáng chú ý, chủ đề của Hội nghị năm nay là "Tháo gỡ vướng mắc, liên kết 6 nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản" được đánh giá là khá phù hợp với tình hình thực tiễn.
Bởi thời gian qua, câu chuyện đầu ra cho nông sản, dù là vấn đề muôn thuở “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, song vẫn luôn là trăn trở của người nông dân. Thực tế, qua hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bên cạnh những thành tựu rất lớn thì vẫn còn một số “điểm nghẽn” nhất là liên kết giữa nông dân với nhà khoa học, ngân hàng, Nhà nước, DN, nhà phân phối còn rất yếu.
Trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội những ngày qua, nhiều nông dân, DN cũng lên tiếng bày tỏ tâm tư như: Đừng hô hào giải cứu nông sản; cơ quan nào, chính quyền cấp nào sẽ chịu trách nhiệm về việc ách tắc lưu thông nông sản khi Trung Quốc siết chặt truy xuất nguồn gốc?…
Có thể khẳng định, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là người đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Điều đó được thể hiện qua việc rất nhiều lần, đích thân Thủ tướng chủ trì những hội nghị, diễn đàn lớn của ngành nông nghiệp. Trong một hội nghị đầu năm nay, Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương: “Nhiều khi chúng ta tháo gỡ nhưng tháo gỡ không đến nơi đến chốn, chưa đúng chỗ thì nông nghiệp khó phát triển”.
Hy vọng rằng, qua buổi đối thoại ngày hôm nay, những bức xúc, vướng mắc của nhà nông sẽ được lắng nghe, tiếp thu, tháo gỡ. Từ đó các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng DN xắn tay vào cuộc cùng nhà nông tạo dựng liên kết bền chặt, để nông dân Việt yên tâm sản xuất bền vững và tự tin hội nhập. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần