Làng nghề mây tre đan Phú Nghĩa: Đau đáu nỗi lo mai một

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ năm 2004, 7/7 làng của xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) công nhận là làng nghề truyền thống. Một thời, sản xuất mây tre đan được xem là nghề chính của người Phú Nghĩa nhưng đến nay nghề này đang dần mai một… khi nhiều lao động trẻ không còn tha thiết với nghề.

Sản xuất mây tre đan xuất khẩu tại Phú Nghĩa. Ảnh: Trần Việt
Nghề truyền thống hàng trăm năm
Khác với việc giữ "bí kíp" nghề truyền thống như một số nơi, các nghệ nhân mây tre đan ở Phú Nghĩa luôn sẵn sàng đem kiến thức nghề nghiệp của mình truyền dạy cho người ở bất cứ địa phương nào khi họ có nhu cầu. Trò chuyện với phóng viên, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung – Giám đốc Trung tâm đào tạo nghề mây tre đan Phú Vinh cho biết: "Nghề mây tre đan ở Phú Vinh đã nức tiếng từ thế kỷ XVI. Trong cung vua, phủ chúa xưa cũng sử dụng các sản phẩm mây tre đan của làng Phú Vinh. Bằng chứng là hiện nay vẫn còn vật phẩm là bộ tranh tứ bình (chất liệu mây tre) đang được trưng bày trong Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế". Ông Nguyễn Văn Trung kể, từ hồi mới thanh niên, ông đã theo mẹ đi truyền nghề cho người dân khắp nơi. Từ năm 1973 đến nay, ông và gia đình đã đào tạo nghề cho hơn 10 vạn lao động, từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Hiện trung tâm đào tạo của ông Trung đang dạy nghề cho khoảng 500 người/năm. Sau đào tạo (thời gian khoảng 3 tháng), lao động đều có việc làm ổn định với mức thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng. “Nghề này đơn giản, không yêu cầu kỹ thuật công nghệ cao nên già, trẻ, ai cũng có thể làm được và quan trọng là người học không phải mất phí. Khi thành nghề, chúng tôi còn tạo việc làm bằng cách cung cấp nguyên liệu, bao tiêu toàn bộ sản phẩm” - ông Nguyễn Văn Trung cho biết.

Thực tế cho thấy, không đòi hỏi phải có công xưởng, máy móc thiết bị, người dân có thể làm nghề mây tre đan ở bất cứ đâu. Bởi thế, bước chân vào xã Phú Nghĩa, từ quán nước, hàng tạp hóa, chợ cóc… nơi đâu cũng bắt gặp hình ảnh các chị, các mẹ đang thoăn thoắt tay đan lát. Không riêng gì ở Phú Nghĩa, nhiều xã trong địa bàn huyện Chương Mỹ như Quảng Bị, Thượng Vực, Đại Yên khi đã có nghề thì người già, người trẻ đều có việc. Theo chị Trần Thị Hà (xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ), gia đình chị có 6 nhân khẩu (trừ cháu bé 2 tuổi) ai cũng tham gia đan lát. Tuy thu nhập không cao, nhưng lúc nông nhàn, mỗi người cũng kiếm được trên 3 triệu đồng/tháng.

Kém hấp dẫn lớp trẻ

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa Trần Bá Vệ cho biết: Do trên địa bàn xã có khu công nghiệp nên lao động là thanh niên đều đi làm ở các công ty, nguồn lao động của làng nghề bị ảnh hưởng đáng kể. Người tham gia làm hàng thủ công giờ chủ yếu là người già, học sinh cấp 2, 3. “Ngoài nỗi lo về nhân lực trong tương lai, bảo vệ và phát triển nguồn nguyên liệu, cơ chế về vốn vay ưu đãi cho làng nghề là những vấn đề địa phương đang rất cần sự hỗ trợ”- ông Trần Bá Vệ cho biết.

Toàn xã Phú Nghĩa có 17 công ty kinh doanh hàng thủ công truyền thống; số hộ biết sản xuất hàng thủ công chiếm 85% tổng hộ dân trong toàn xã. Tuy nhiên đến nay, việc sản xuất tại các làng nghề chỉ bó hẹp trong hộ gia đình bởi từ lâu Phú Nghĩa đã được quy hoạch thành khu công nghiệp, địa phương không thể đáp ứng nhu cầu mặt bằng để mở rộng sản xuất.

Từ 2014, các sản phẩm làng nghề của Phú Nghĩa đã có nhãn hiệu chung. Tuy nhiên, các DN, hộ sản, xuất kinh doanh vẫn chưa gắn mác tập thể - dù chính quyền và các đoàn thể thường xuyên tuyên truyền vận động. Các DN từ khi thu gom đến khâu hoàn thiện để xuất khẩu, chỉ gắn nhãn mác riêng của DN mình vào sản phẩm. Còn với các hộ gia đình, do chỉ sản xuất sản phẩm thô nên cũng chưa quan tâm đến nhãn mác. Hội Nông dân là đơn vị được giao quản lý về nhãn mác nhưng do không có kinh phí nên cũng khó khăn trong công tác triển khai.
Muốn bảo tồn nghề truyền thống cần phải làm cho lớp trẻ ham nghề. Muốn vậy, các DN sản xuất, kinh doanh hàng mây tre đan phải thu hút lao động trẻ bằng các chế độ phúc lợi như bảo hiểm xã hội, y tế… Phải để họ được lao động trong môi trường chuyên nghiệp, nếu không thanh niên rất dễ quay lưng với nghề của cha ông.

Nghệ nhân mây tre đan Nguyễn Văn Trung

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần