Làng nghề Vạn Điểm thiếu mặt bằng sản xuất

Bài, ảnh: Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù mang lại thu nhập chính cho người dân trong xã, tuy nhiên việc phát triển nghề mộc ở Vạn Điểm (Thường Tín) gặp nhiều khó khăn bởi diện tích sản xuất chật hẹp.

Xã Vạn Điểm hiện có khoảng 70% số gia đình làm nghề mộc. Đây cũng là nghề đem lại 70% tổng thu nhập của toàn xã. Sản phẩm của người dân Vạn Điểm làm ra ngày càng đa dạng, từ sập gụ, tủ chè, bàn ghế đến giường tủ, đồ thờ… Với việc phát huy thế mạnh nghề truyền thống, kết hợp với công nghệ hiện đại, làng nghề mộc Vạn Điểm đã không ngừng phát triển. Vạn Điểm nhờ đó càng thêm khởi sắc, đường sá, nhà cửa khang trang, giao thương luôn tấp nập.
Tuy nhiên, làng nghề vẫn đang tồn tại rất nhiều khó khăn, trong đó có vấn đề ô nhiễm môi trường. Hiện nay, hầu hết người dân đều phải tận dụng không gian sinh hoạt của gia đình làm nơi sản xuất.
 Cơ sở sản xuất của anh Nguyễn Bá Bình (Vạn Điểm, Thường Tín).
Chỉ tính riêng thôn Vạn Điểm, nằm ở vị trí trung tâm xã, tổng diện tích đất tự nhiên là 139ha, đất ở 82ha nhưng có tới 720/785 hộ làm nghề. Khắp làng trên, xóm dưới bụi gỗ bay mù mịt, mùi sơn PU nồng nặc, kèm theo tiếng đục, cưa inh tai nhức óc. Vì thế ở Vạn Điểm, ban ngày người ta chỉ thấy những người phụ nữ quanh năm bịt kín mặt, cần mẫn ngồi đánh giấy ráp ven đường, hay những anh thợ luôn phủ một lớp bụi gỗ trên người.
Còn người già và trẻ nhỏ thường ở trong nhà đóng kín cửa để tránh hít phải bụi gỗ. Tuy nhiên, khó khăn nhất ở Vạn Điểm hiện nay vẫn là mặt bằng để phục vụ sản xuất. Nhiều xưởng sản xuất phải mang vật liệu ra đường để đánh ráp, cưa, đục, gây ô nhiễm làng nghề.
Anh Nguyễn Bá Bình, ở đường đê Vạn Thành, Vạn Điểm cho biết: Gia đình anh hiện nay đang có 1 cơ sở sản xuất rộng 300m2 và một cửa hàng trưng bày sản phẩm rộng hơn 100m2. Do diện tích chật hẹp nên anh cũng như nhiều hộ làm mộc tại đây không có điều kiện đầu tư thêm máy móc mở rộng sản xuất. Hơn nữa, các cơ sở sản xuất tại đây phải mang sản phẩm thô đi gia công lại tại các xưởng sơn chuyên nghiệp, làm tăng thêm chi phí sản phẩm.
“Tôi đang mong ngóng từng ngày địa phương sớm hoàn thành điểm công nghiệp làng nghề. Khi đó, tôi sẽ đầu tư hệ thống nhà xưởng chuyên nghiệp theo chuỗi khép kín” – anh Bình cho hay.
Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Vạn Điểm Phùng Đăng Tưởng cho biết: Để hạn chế ô nhiễm môi trường, vài năm trước người dân đã chủ động may túi hút bụi. Tuy nhiên giải pháp này không mấy hiệu quả nên nhiều nhà đã bỏ.
Trên địa bàn xã Vạn Điểm cũng đã có một cụm công nghiệp làng nghề, tuy nhiên hiện mới chỉ đáp ứng được một lượng nhỏ hộ sản xuất. Hiện xã đã có quy hoạch diện tích xây thêm một điểm công nghiệp làng nghề nhưng tới nay vẫn chưa được triển khai. “Chúng tôi mong muốn dự án mở rộng cụm làng nghề sớm được triển khai để hỗ trợ về mặt bằng cho các cơ sở làm nghề mộc phát triển” – ông Tưởng đề xuất.