[Lãng phí lớn từ hàng trăm dự án bất động sản bỏ hoang] Bài 1: Chủ đầu tư bỏ của chạy lấy người

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng trăm dự án bỏ hoang, chậm triển khai, gây thất thoát nguồn thu ngân sách, lãng phí tài nguyên đất. Điều đáng nói, có những dự án đã nằm “đắp chiếu” đến hơn 20 năm. Người dân trong vùng dự án ăn trực nằm chờ đền bù GPMB, dư luận bức xúc, chính quyền vẫn đang loay hoay đi tìm giải pháp xử lý.

Nhiều dự án sau khi được chính quyền chấp thuận đầu tư, chẳng những không tổ chức bồi thường GPMB để triển khai dự án mà còn “biến mất” không liên hệ với chính quyền địa phương. Vậy là, qua nhiều năm, dự án chỉ còn nằm trên giấy. 
 Một dự án tại huyện Quốc Oai (Hà Nội) là bãi đất hoang, gây thất thoát, lãng phí tài nguyên đất. 
Mòn mỏi đợi chờ
Anh Dương Công Hải, trú tại xóm Ao Sen, xã Mê Linh (huyện Mê Linh, Hà Nội) chia sẻ, gia đình anh có hơn hai sào ruộng đã được chính quyền địa phương thông báo thuộc diện phải thu hồi do nằm trong dự án, nhưng nhiều năm nay khi dự án chưa triển khai thì gia đình anh vẫn tổ chức trồng hoa, rau trên phần đất này để có thu nhập duy trì cuộc sống.
“Gần chục năm nay, nhận được thông báo đất ruộng nhà tôi sẽ bị thu hồi để làm dự án, nhưng đến nay vẫn chưa thấy tổ chức đền bù giải phóng mặt bằng, nên gia đình tôi vẫn trồng hoa màu để duy trì thu nhập. Khi nào dự án triển khai, tiến hành đền bù GPMB thì gia đình tôi sẽ bàn giao lại, nhưng đến bây giờ vẫn chưa có thông báo rõ ràng là dự án có tiếp tục được triển khai nữa hay không” - anh Hải nói.
Anh Dương Hưng - kỹ sư công nghệ môi trường, trú tại xóm Ao Sen, xã Mê Linh, làm việc tại Khách sạn Intercontinental Hà Nội cho biết, anh Hưng đang sở hữu 1 sào ruộng tại xã Mê Linh cũng thuộc diện đất chờ dự án triển khai, nhưng do điều kiện công việc nên anh phải nhờ người thân canh tác và giữ đất.
“Nghe thông tin đợt này chính quyền sẽ cho phép các doanh nghiệp điều chỉnh lại quy hoạch để triển khai các dự án, về phần mình tôi ủng hộ điều này. Vì thực tế, hiện nay tôi không thường xuyên ở nhà để canh tác, tôi muốn bán nhưng không bán được vì đất này đang nằm trong diện dự án, nên không ai muốn mua. Doanh nghiệp và chính quyền nên sớm rõ ràng vấn đề này để người dân ổn định công việc” - anh Hưng chia sẻ.
Đây là hai trong số rất nhiều trường hợp người dân có đất nằm trong khu vực dự án, nhưng sau khi được TP Hà Nội chấp thuận đầu tư, chủ đầu tư đã “biến mất” không liên lạc với chính quyền địa phương để tiếp tục thực hiện các trình tự thủ tục pháp lý triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Chủ đầu tư... mất tăm tích
Theo kết quả giám sát mới đây của HĐND TP Hà Nội về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn, tại 8 quận, huyện thì có tới 211 dự án chậm đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa, chậm triển khai và chưa có biện pháp khắc phục… Nếu tính tất cả các quận, huyện, thị xã còn lại, trên địa bàn Hà Nội có tới trên 380 dự án đang nằm “đắp chiếu”.
Trong đó, việc các DN ôm đất và bỏ hoang xảy ra nhiều nhất ở huyện Hoài Đức (51 dự án), Mê Linh (50 dự án), Nam Từ Liêm (48 dự án), Hoàng Mai (25 dự án), Bắc Từ Liêm (23 dự án)… Thậm chí, tại các địa phương này, có những dự án chủ đầu tư sau khi lập dự án xong thì “bỏ của chạy lấy người”, không phối hợp với chính quyền địa phương để triển khai các thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy định.
 Hàng trăm ha đất nông nghiệp tại huyện Mê Linh, hàng chục năm trời chủ đầu tư không tổ chức đền bù, GPMB khiến cho người dân trong vùng dự án gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất. (Ảnh: Doãn Thành).
Đơn cử, tại huyện Mê Linh, trong số 47 dự án vốn đầu tư ngoài nhà nước thì có đến 13 dự án chưa thực hiện giải phóng mặt bằng và chưa có kế hoạch giải phóng mặt bằng, mặc dù đã được phê duyệt dự án từ hơn chục năm nay. Có thể kể đến, như: Dự án Khu đô thị Vinalines, chủ đầu tư là Công ty CP BĐS Vinalines; Dự án Khu đô thị Việt Á, Công ty CP Tập đoàn Việt Á; Dự án khu biệt tự và địch vụ vườn CIT, Công ty CP Đầu tư xây dựng và phát triển thương mại CIT; Dự án khu đô thị mới BMC, Công ty Vật liệu xây dựng và lắp ráp thương mại BTM; Dự án khu đô thị mới Prime Group, Công ty CP Prime Group; Dự án Khu nhà ở sinh thái Vietracimex, Tổng Công ty CP thương mại và Xây dựng Vietracimex...
Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Bùi Xuân Quang cho biết, các dự án này không những không có kế hoạch thực hiện GPMB, mà từ nhiều năm nay chủ đầu tư đã không liên hệ với chính quyền địa phương và chính quyền cũng không thể liên lạc được với chủ đầu tư để thực hiện giải quyết theo trình tự thủ tục pháp luật quy định. 
“Vì vậy các dự án này chúng tôi đã liệt vào danh sách những dự án đề nghị phải thu hồi. Thời gian qua, UBND huyện đã tham mưu cho TP ban hành quyết định thu hồi đối với một số dự án không tiến hành giải phóng mặt bằng, để giao lại cho người dân sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp” - ông Quang cho hay.
Theo đó, UBND huyện Mê Linh đã phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho UBND TP ban hành quyết định thu hồi đối với 3 dự án, gồm: Dự án khu đô thị Prime Group, diện tích 99,1ha; Dự án khu đô thị mới BMC Thăng Long, diện tích 40ha và Dự án khu đô thị mới Việt Á, diện tích 22,1ha. Những dự án còn lại vẫn đang được tiếp tục rà soát, nếu không đủ điều kiện thì huyện cũng sẽ trình phương án để thu hồi.
"Đối với các dự án đã được chấp thuận đầu tư mà nhiều năm chủ đầu tư không thực hiện công tác bồi thường GPMB thì chính quyền cần phải sớm ban hành quyết định thu hồi để tái sử dụng vào mục đích khác, để tăng giá trị sử dụng và nguồn ngân sách đóng góp cho Nhà nước." Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - KTS Nguyễn Văn Thanh
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần