Lặng thầm bác sĩ 115

Trần Lễ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bất kể nắng hay mưa, đêm hay ngày, những người thầy thuốc của Trung tâm Cấp cứu 115 vẫn rong ruổi trên từng góc phố, cung đường để làm nhiệm vụ cứu người. Họ không có những ca mổ kỳ tích và ít khi được đứng trên bục vinh quang bởi những thành tích ngoạn mục… nhưng lại góp phần cứu bệnh nhân qua cơn nguy kịch.

 Xe cấp cứu 115 sẵn sàng lên đường cấp cứu bệnh nhân.
Theo lãnh đạo Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, trung tâm có 5 cơ sở với hơn 190 nhân sự, 14 xe cấp cứu chuyên dụng, hàng ngày thực hiện công việc cấp cứu tại công đồng trên toàn TP. Các bác sĩ tại Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội đặc biệt và vất vả hơn so với các đồng nghiệp tại các bệnh viện (BV).
Nếu như tại BV, các bác sĩ được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp với các trang thiết bị đầy đủ, thì nơi làm việc của các bác sĩ 115 rất đa dạng như ở nhà dân, nhà vệ sinh, công trường, thậm chí là cấp cứu giữa đường trong đêm mưa gió...
Mới đây, một thanh niên bị tai nạn do ngã xe máy trên cầu Chương Dương và lăn xuống khe hẹp dẫn xuống cầu. Khi kíp bác sĩ 115 đến, bệnh nhân bị gãy xương cẳng chân và cẳng tay trái. Sau khi sơ cứu nẹp cố định chỗ gãy, kíp trực phải nhờ cảnh sát giao thông tạm dừng các phương tiện qua cầu và nhờ một xe chuyên dụng có cần cẩu để cẩu cáng nạn nhân lên. Còn với nhân viên y tế khi xuống cấp cứu nạn nhân và khi lên đều phải buộc dây thừng quanh người nhằm đề phòng không may bị rơi xuống sông sẽ có người ở trên kéo lên.

Các bác sĩ vẫn nhớ trường hợp một bệnh nhân 60 tuổi nhà ở Phố Hàng Giầy (quận Hoàn Kiếm), khi xe ô tô đưa cán bộ Trung tâm Cấp cứu 115 đến thì bệnh nhân trong tình trạng rất nặng, mạch không bắt được, huyết áp không đo được, tim ngừng đập, phổi ngừng thở. Bác sĩ Phạm Thị Hải Yến, điều dưỡng Nguyễn Thị Phương Thảo đã khẩn trương cấp cứu, chuyển bệnh nhân đến BV Quân y 108.
Do xử trí tốt nên khi vào BV, bệnh nhân đã có nhịp tim, điện tâm đồ có hình ảnh nhồi máu cơ tim cấp và được đưa ngay lên khoa can thiệp mạch. Đó chỉ là một trong số rất nhiều ca cấp cứu điển hình đã được Giám đốc trung tâm khen thưởng.

Đó chỉ là một vài trường hợp cấp cứu điển hình trong số hàng nghìn ca cấp cứu mà các thầy thuốc ở Trung tâm Cấp cứu 115 đã giải quyết và vận chuyển bệnh nhân đến các BV an toàn. Ngoài nhiệm vụ điều xe đi cấp cứu, ở Trung tâm còn tổ chức một phòng khám bệnh với đủ các chuyên khoa gồm 20 cán bộ, nhân viên phục vụ bệnh nhân có thẻ BHYT. Theo thống kê, hiện Trung tâm đang phục vụ và quản lý 24.000 bệnh nhân có thẻ BHYT nhằm giảm áp lực cho các BV tuyến trên.

Đã gắn bó 17 năm tại Trung tâm, bác sĩ Phạm Gia Nam được giao nhiệm vụ Trưởng một kíp trực tâm sự, anh không nhớ mình đã cấp cứu cho bao nhiêu bệnh nhân. Tiếp xúc với nhiều bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, bác sĩ Nam đã gặp quá nhiều những hoàn cảnh trớ trêu. Có lúc gia đình khẩn thiết gọi Trung tâm đến cấp cứu, nhưng khi đến thì gia đình đã tự chuyển bệnh nhân đến BV mà không báo lại cho Trung tâm.
Hay nhiều trường hợp tai nạn dọc đường, nhận được điện thoại, kịp trực đến thì nạn nhân cũng đã được di chuyển vào các cơ sở y tế. Có lần anh đến cấp cứu cho một bệnh nhân ở khu vực Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng), người bệnh không muốn đi cấp cứu đã dùng tay đập vào mặt và mắt của lái xe. Nhưng các nhân viên y tế đã cùng với gia đình đưa được người cấp cứu lên xe và chuyển đến bệnh viện điều trị. Sau đó mới đưa lái xe về BV Việt Nam – Cu Ba để sơ cứu vết thương.

Ngay tại phòng điều hành của Trung tâm Cấp cứu 115, mỗi ngày nhận 900 - 1.000 cuộc gọi đến, nhưng chưa đến một nửa trong số đó là cuộc gọi chính danh. Không chỉ gọi đến trêu nhân viên trực điện thoại, nhiều trường hợp khi vừa bốc máy lên đã nghe được thấy lời nói thiếu chuẩn mực hay mắng mỏ nhân viên y tế.

Bác sĩ Nguyễn Thành - Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 chia sẻ với chúng tôi, rất mong được người dân hợp tác với bác sĩ khi họ đến cấp cứu. Tránh những trường hợp mắng chửi bác sĩ, đánh lái xe khi họ cảm thấy chưa thật hài lòng.
Bác sĩ Thành cũng mong mỏi Trung tâm được tăng thêm ô tô, thêm biên chế lái xe, tạo cơ chế tiền lương – tiền thưởng cho cán bộ, nhân viên tốt hơn vì hiện nay mỗi tháng, ngoài lương chính, mỗi cán bộ, nhân viên chỉ được thưởng hơn 200.000 đồng. Bởi vậy, mới có chuyện có những bác sĩ trẻ vào làm việc 1 - 2 năm không chịu được áp lực công việc, lương thấp nên xin chuyển công tác.

Ngoài ra, bác sĩ Thành cũng mong muốn, để đáp ứng nhu cầu cấp cứu tại các điểm xa trung tâm TP, ngoài địa điểm chính của Trung tâm ở số 11 phố Phan Chu Trinh (quận Hoàn Kiếm), có thêm điểm vệ tinh nhỏ được trang bị xe ô tô, nhân viên trực, dụng cụ y tế để hỗ trợ khẩn trương khi có trường hợp cần cấp cứu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần