Lặng thầm truyền lửa đam mê

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ít ngày nữa, ngành GD&ĐT Thủ đô sẽ tổ chức trao giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” năm học 2017 – 2018. 127 nhà giáo Thủ đô được vinh danh trong dịp 20/11 năm nay đã thắp thêm nguồn sáng trong hành trình truyền lửa đam mê.

Khơi niềm đam mê sáng tạo
Nhiều nhà giáo đã để lại những ấn tượng mạnh mẽ đối với Hội đồng chuyên môn xét duyệt giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” năm học 2017 - 2018. Đó là cô Hồ Thị Hường – giáo viên trường Tiểu học Đông Ngạc A, quận Bắc Từ Liêm. Với lòng nhiệt huyết, cô đã có nhiều sáng kiến, xây dựng hiệu quả thành công mô hình “4 ngày 5 tốt”, tiêu biểu là “Ngày tiếng Anh”.
 'Máy chiếu vật thể đa năng' của thầy Đàm Bạch Long được cụ thể hóa thành sản phẩm thực tế. Ảnh: Thủy Trúc
Ứng dụng Skype, Sky for business, Kahoot trong dạy học, soạn bài, cô Hường cùng với nhà trường xây dựng các tiết học kết nối để học sinh (HS) được giao lưu với HS các tỉnh Hải Dương, Vũng Tàu, Indonesia, Ấn Độ. Cô còn phối hợp tích cực với giáo viên chủ nhiệm khối 5 kiến tạo được hơn 360 cá nhân tự nói tiếng Anh tại nhà, 184 đội nhóm nói tiếng Anh, 87 nhóm bạn giao tiếp tiếng Anh tự tin trong 2 năm học. Đổi mới cách đánh giá HS, theo dõi số lượng HS tự học, tự luyện tiếng Anh tại nhà thông qua phần mềm Lingcor và Lingshool đã được cô Hường thực hiện. Từ đó, HS được học tiếng Anh miễn phí tại nhà qua điện thoại và máy tính một cách dễ dàng. “Việc sử dụng phương pháp, kỹ thuật dạy học tiên tiến, ứng dụng CNTT, các phần mềm hiện đại và nội dung tiệm cận quốc tế đã truyền niềm cảm hứng và tinh thần hăng say lao động, sáng tạo trong tập thể nhà trường” – cô Hường chia sẻ.

"Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” thực sự có ý nghĩa bởi tạo cơ hội để chúng ta gọi tên và vinh danh những nhà giáo thầm lặng. Từ đó tạo ra được sức lan tỏa đối với ngành giáo dục và cả cộng đồng." - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc An

Để lại ấn tượng đặc biệt cho Hội đồng chuyên môn là cô Nguyễn Thị Mai – giáo viên Vật lý, trường THCS Cầu Giấy trong việc nghiên cứu, tìm tòi các phương pháp giảng dạy. Cô Mai tự chế ra các dụng cụ học tập trực quan để thu hút HS tham gia tích cực trong mỗi bài giảng của mình. Không chỉ thế, với hàng loạt sáng tạo trong phương pháp như dạy theo trạm, dạy HS theo dự án nhỏ, phương pháp đóng vai cùng nhiều sản phẩm trực quan tự chế phục vụ cho môn học như kính tiềm vọng, lắp đặt ròng rọc, bộ thí nghiệm chưng cất nước… đã giúp cô Mai khơi nguồn sáng tạo trong mỗi học trò. Cô đã biến mỗi tiết học Vật lý thành cơ hội để học trò khám phá khả năng của bản thân, kích thích sự sáng tạo.

Biến ý tưởng thành hiện thực

Đánh giá sơ bộ về hồ sơ tham dự của khối THCS tham dự xét duyệt “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” năm học 2017 - 2018, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho hay, chất lượng tương đối đồng đều, dày dặn và bắt đầu có những điểm sáng, tạo nên sự khởi sắc rõ nét của giải thưởng. Với niềm đam mê, nhiệt huyết, các thầy cô giáo không chỉ có ý tưởng mà còn hiện thực hóa thành sản phẩm, giúp ích thiết thực cho những bài học. Đơn cử như sản phẩm “Sa bàn chiến dịch Điện Biên Phủ 1954” của cô giáo Văn Thị Tám cùng tổ Xã hội, trường THCS Phương Liệt; “Máy chiếu vật thể đa năng” của thầy Đàm Bạch Long, trường THCS Thụy Phương (Bắc Từ Liêm) đã và đang được sử dụng trong tất cả các trường tiểu học, THCS trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm và nhiều trường trong TP.

Lại có những thầy cô là tác giả của nhiều dự án giúp HS thấy được giá trị của môn học và cuộc sống. Năm học 2017 – 2018, cô Dương Thu Hà – giáo viên trường THCS Lê Lợi đã xây dựng thí điểm mô hình lớp học trải nghiệm với những chuyến đi thực tế. Trong đó, có chuyên đề “Học sinh Thủ đô trồng hoa Tulip gắn với hoạt động từ thiện”. Với 4.750.000 đồng tiền lãi/lớp trong một tháng từ trồng hoa đã được các em HS trực tiếp đi từ thiện tại Thanh Sơn (Phú Thọ). Cùng với trái tim ấm áp, sau thời gian trăn trở, cô Hà và nhóm HS đã phối hợp với các thầy cô giáo làng trẻ Hòa Bình tiến hành dự án cộng đồng “Thiết kế thiết bị PSE giúp cho trẻ mắc Hội chứng Down học đọc thông qua các chủ đề kỹ năng sống thiết yếu”.

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc An cho hay: Các hồ sơ tham gia dự giải “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” năm học 2017 – 2018 có sự đổi mới và sáng tạo mạnh mẽ trong những giải pháp chuyên môn. Các giáo viên đã nhận diện, lĩnh hội và ứng dụng một cách hiệu quả những phương pháp giáo dục mới mà Bộ GD&ĐT triển khai, phát huy thế mạnh của từng môn học, tạo ra sự lan tỏa, tác động đến chùm môn học liên quan.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần