Làng vàng mã tất bật cho ngày tiễn Táo quân về trời

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ còn hơn một tuần nữa là đến Tết ông Công, ông Táo, các hộ sản xuất và kinh doanh vàng mã ở xã Song Hồ (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) lại tất bật với đa dạng các mặt hàng mũ, áo, ngựa, tiền, vàng bằng giấy… phục vụ thị trường.

Trên các ngả đường về xã, hàng trăm chiếc xe tải, xe máy thường xuyên tới lui tấp nập vận chuyển các bộ cốt đến các kệ hàng với phong phú các chủng loại.

Chị Nguyễn Thị Hương (cơ sở kinh doanh vàng mã Phái Thụ, thôn Đạo Tú) cho biết ở đây chủ yếu bán cho các lái buôn, xuất đi khắp các tỉnh miền Bắc và chủ yếu ở Hà Nội. Từ khoảng hơn một tuần trở lại đây khách đến mua hàng tấp nập, gia đình chị phải thuê thêm hai lao động phụ giúp mới đảm bảo công việc.

Những ngày này, mặt hàng phục vụ Tết ông Công như mũ, giày, áo, tiền, vàng giấy luôn nhộn nhịp. So với những năm trước, giá cả các mặt hàng không biến động nhiều với giá từ 25.000-100.000 đồng/bộ. Điều đặc biệt, năm nay khách hàng tập trung vào những sản phẩm cao cấp giá 100.000 đồng/bộ. Tuy nhiên, mặt hàng bán chạy nhất gần đây lại là các loại ngựa, áo, tiền, vàng… bởi người Việt thường có xu hướng đi tạ mộ vào dịp cuối năm hoặc đầu năm mới.
 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Chị Nguyễn Thị Liên (cơ sở chuyên sản xuất các loại mũ giấy ở thôn Đạo Tú), cho biết ở Song Hồ, mỗi hộ gia đình thường tập trung sản xuất một sản phẩm hoặc một khâu của mỗi loại sản phẩm. Để hoàn chỉnh một mặt hàng đòi hỏi người thợ phải trải qua quá trình phức tạp, cầu kỳ, người thợ phải mua bộ cốt (bộ khung) từ nơi khác mang đến, sau đó gia công thêm cho chắc chắn, phủ giấy, quét sơn, trang trí cho các sản phẩm. Nghề làm hàng mã này đòi hỏi mỗi người thợ cần kết hợp sự tỉ mỉ, đôi bàn tay khéo léo và sức sáng tạo.

Theo chị Liên, “mùa” làm hàng mã bắt đầu từ tháng Bảy hàng năm cho đến hết Tết Nguyên đán. Đặc biệt, trong tháng Chạp do nhu cầu tăng vọt, gia đình chị phải tranh thủ làm 14 tiếng đồng hồ mỗi ngày, có khi nhiều việc còn thuê thêm lao động. Với hai lao động chính, mỗi ngày vợ chồng chị “bôi mầu” cho trên 2.000 mũ các loại, với giá thành 44.000 đồng/100 mũ, trừ chi phí, tính riêng nghề làm hàng mã mỗi năm gia đình chị thu lãi gần 100 triệu đồng.

Ông Nguyễn Như Điều (Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Song Hồ) cho biết trước đây, ở Song Hồ người dân sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp, khi nông nhàn còn thêm các nghề phụ như làm tranh, sản xuất hàng mã, dịch vụ vận tải, mây tre đan, dâu tằm tơ…, trong đó nghề làm tranh dân gian Đông Hồ và sản xuất hàng mã là hai nghề chính. Một năm, người dân nơi đây chia làm hai mùa sản xuất từ đầu năm đến tháng Bảy âm lịch người làm nghề sản xuất hàng mã, sau đó từ tháng Bảy đến Tết sẽ chuyển sang làm tranh.

Tuy nhiên, khoảng hơn 10 năm gần đây do ảnh hưởng từ cơ chế thị trường, người dân dần chuyển sang làm hàng mã. Song Hồ hiện có bốn thôn với gần 1.400 hộ dân với hơn 6.000 nhân khẩu thì có đến 70% số hộ sản xuất, kinh doanh hàng mã tập trung chủ yếu ở thôn Đạo Tú và Đông Khê lên đến 90%.

Nhờ sự phát triển nghề này mà người dân nơi đây giàu có nhanh chóng. Trong xã, riêng lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ phần lớn từ làm hàng mã mỗi năm thu hơn 100 tỷ đồng. Bắc Ninh cũng đang tích cực tìm mọi giải pháp làm “sống” dậy làng tranh truyền thống để nơi đây sẽ là điểm đến lý tưởng thu hút đông đảo khách buôn bán, tham quan, tạo điểm nhấn cho du lịch làng nghề.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần