Làng Việt - Phi dưới chân núi Tản Viên - Ảnh 1
Làng Việt - Phi dưới chân núi Tản Viên - Ảnh 2
Làng Việt - Phi dưới chân núi Tản Viên - Ảnh 3

 

Chúng tôi tìm về Nông trường Việt - Phi những ngày cả nước hướng đến kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Bên chén trà, ông Nghiêm Hữu Phúc (sinh năm 1939), cán bộ phụ trách chăn nuôi của Nông trường Việt - Phi năm xưa đã kể lại câu chuyện về những hàng binh Âu - Phi.

Ông Phúc bảo, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Tập thể sản xuất Ba Vì đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo thành lập, tiếp nhận hơn 300 hàng binh thuộc 20 quốc gia, dân tộc đi lính cho Pháp. Họ cùng 100 công nhân và cán bộ người Việt Nam tiến hành khai hoang, trồng trọt, chăn nuôi bò sữa dưới chân núi Tản Viên.

Sau gần 10 năm, Tập thể sản xuất Ba Vì được đổi tên thành Nông trường Việt - Phi, với mục đích tăng cường tình đoàn kết giữa cán bộ, công nhân người Việt Nam và các hàng binh. Nông trường có diện tích hơn 700ha, trải dài trên địa bàn hai xã Tản Lĩnh và Vân Hoà (huyện Ba Vì, TP Hà Nội).

“Không khí sản xuất ngày đó rất sôi nổi. Những con người khác màu da, ngôn ngữ cùng chung sống và lao động. Nông trường trù phú, có thời điểm đàn bò lên tới cả ngàn con, cung cấp khối lượng mía, đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất cho các nhà máy đường Vạn Điểm, Tam Hiệp…” - ông Nghiêm Hữu Phúc nhớ lại.

Làng Việt - Phi dưới chân núi Tản Viên - Ảnh 4

Là kế toán của Nông trường Việt - Phi, giữ nhiệm vụ phát lương cho các công nhân, ông Nguyễn Xuân Hạ (sinh năm 1942) cho biết, dù cuộc sống của người dân ngày đó còn nhiều khó khăn, vất vả, tuy nhiên, Nhà nước vẫn đảm bảo chế độ cần thiết, bảo đảm cuộc sống cho các hàng binh Âu - Phi.

“Những hàng binh Âu - Phi sinh sống hoà thuận. Không có công việc gì mà hàng binh không tham gia hỗ trợ. Người Việt mình gọi họ với cái tên thân thương là những người “Việt Nam mới”. Họ là những người tốt, những người anh em tuyệt vời…” - ông Nguyễn Xuân Hạ bồi hồi nhớ lại.

Ngoài lao động, sản xuất, các hàng binh Âu - Phi còn được học văn hoá, nghe đài truyền thanh, đọc sách báo, xem phim, xem biểu diễn văn nghệ… Nông trường xây dựng căng-tin để phục vụ bánh kẹo, rượu bia cho công nhân, trong đó có các hàng binh. Hàng tháng, cung cấp thêm thị bò, dê, cừu để cải thiện bữa ăn; cuối tuần có xe đưa đón xuống thị xã Sơn Tây mua sắm…

Để giúp hàng binh vơi nỗi nhớ quê hương, Nông trường Việt - Phi và các cơ quan cấp trên tạo điều kiện cho phép họ lấy vợ là người Việt Nam. Trong những ngôi nhà nhỏ, gia đình những hàng binh Âu - Phi sinh sống thuận hòa, hình thành nên một cộng đồng hữu nghị.

Năm 1965, Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, các hàng binh được di chuyển lên Yên Bái để tránh bom đạn. Thỉnh thoảng ông Phúc, ông Hạ và nhiều công nhân khác ở Nông trường Việt - Phi vẫn đón xe lên Yên Bái thăm họ. Lúc ra về, những hàng binh Âu - Phi không quên dúi vào túi các ông vài ổ bánh mì mới nướng, mấy lạng đường…

Trong giai đoạn 1965 - 1972, lần lượt các hàng binh được Chính phủ Việt Nam cho phép hồi hương. Họ mang theo vợ, con là người Việt về quê hương sinh sống. Sau này, rất nhiều hàng binh Âu - Phi đã đưa gia đình trở lại Việt Nam, ghé thăm Nông trường Việt - Phi năm xưa, gặp những đồng nghiệp cũ và cùng nhau ôn lại những ký ức không thể nào quên.

Làng Việt - Phi dưới chân núi Tản Viên - Ảnh 5
Làng Việt - Phi dưới chân núi Tản Viên - Ảnh 6

 

Trong những năm tháng sinh sống, lao động tại Nông trường Việt - Phi, các hàng binh Âu - Phi đã tham gia xây dựng nhiều công trình, trong đó có chiếc cổng Ma-rốc. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, cổng Ma-rốc hiện vẫn được Đảng, Nhà nước Việt Nam và UBND TP Hà Nội quan tâm, gìn giữ.

Đầu tháng 5/2024, chúng tôi tìm về thôn Việt Long (xã Tản Lĩnh), ghé thăm chiếc cổng Ma-rốc gắn liền với câu chuyện về những hàng binh Âu - Phi năm xưa. Chiếc cổng hiện nằm trong khu vườn của gia đình bà Phùng Thị Loan, được xây dựng theo lối kiến trúc Ả Rập, khác xa những công trình cổng làng ở Bắc Bộ.

Năm 2009, cổng Ma-rốc được trùng tu lần đầu từ nguồn hỗ trợ của Đại sứ quán Ma-rốc tại Việt Nam. Đại sứ quán Ma-rốc cũng đã cho dựng một tấm bia ghi lại sơ lược lịch sử của cổng Ma-rốc với lời kết: “Cánh cổng này đã nhiều năm chống chọi lại với sự tàn phá của thời gian, là tài sản chung, biểu tượng cho tình đoàn kết giữa con người với con người”.

Đến năm 2018, được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Ngoại vụ, UBND huyện Ba Vì, Ban Liên lạc Hội Việt - Phi huyện Ba Vì và các đơn vị liên quan thực hiện tu bổ cổng Ma-rốc.

Làng Việt - Phi dưới chân núi Tản Viên - Ảnh 7

Đại sứ Morocco tại Việt Nam khi đó là ông Azzeddine Ferhane đã nhấn mạnh tại lễ khánh thành rằng: cổng Ma-rốc là một phần di sản lịch sử chung giữa Việt Nam và Ma-rốc, mang thông điệp chống chiến tranh và ủng hộ hòa bình giữa các dân tộc trên toàn thế giới của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Mới đây, trong một nỗ lực bảo tồn và quảng bá cổng Ma-rốc, Khoa Quốc tế Pháp ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội (IFI) đã phối hợp cùng Đại sứ quán Vương quốc Ma-rốc tại Việt Nam, Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF), Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông (IAMES) tổ chức Lễ ra mắt công trình tham quan ảo cổng Ma-rốc. 

Làng Việt - Phi dưới chân núi Tản Viên - Ảnh 8

Ông Ngô Tự Lập - nguyên Viện trưởng IFI nhấn mạnh, dự án nhằm mục đích nâng cao nhận thức của người dân đối với lịch sử chung của hai quốc gia, mối quan  hệ hợp tác Việt Nam và Ma-rốc cũng như đối với văn hóa Ma-rốc thông qua việc thúc đẩy quan hệ song phương và phát triển du lịch trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cổng Ma-rốc, di tích còn sót lại của Nông trường Việt - Phi là minh chứng lịch sử cho giá trị tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh.

Sau những năm tháng hồi hương, các hàng binh thỉnh thoảng trở về thăm Việt Nam, ghé thăm Nông trường Việt - Phi năm xưa. Họ chụp hình lưu niệm bên chiếc cổng làng do chính tay mình dựng, gặp lại những cán bộ người Việt Nam từng một thời “đồng cam cộng khổ”.

Làng Việt - Phi giờ sáp nhập, trở thành một phần của thôn Việt Long (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì), mảnh đất trù phú nằm dưới chân núi Tản Viên. Hàng trăm nông hộ nơi đây tiếp tục gắn bó với nghề trồng cỏ, nuôi bò sữa. Dạo quanh ngôi làng Việt - Phi năm xưa, khắp nơi đều thấy một màu xanh mát mắt của những đồng cỏ voi.

Làng Việt - Phi dưới chân núi Tản Viên - Ảnh 9

Trưởng thôn Việt Long Phạm Kim Tiến tự hào khoe, cuộc sống của người dân nơi đây đang ngày một sung túc, ấm no hơn. Trẻ con trong thôn đều biết sự tích chiếc cổng làng do những người “Tây da đen” xây dựng nên. Còn với các cụ già trong thôn, ký ức về những hàng binh và Nông trường Việt - Phi năm xưa dường như chưa khi nào phai mờ trong tâm trí...

Năm 2004, cùng với một số thành viên của Nông trường Việt - Phi, ông Nghiêm Hữu Phúc đã thành lập Hội Việt - Phi Ba Vì. Là người được chứng kiến xuyên suốt chính sách hàng binh độc đáo, nhân đạo của Việt Nam, để lưu truyền cho con cháu, ông Phúc kêu gọi bảo tồn chiếc cổng làng. Ông cũng viết báo và dành tiền tích cóp được để in ấn một cuốn sách kể về lịch sử của làng Việt - Phi.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh Phạm Văn Hiệp, Nông trường Việt - Phi nay đã thay đổi, được tư nhân hóa; diện tích nông trường thu hẹp. Cảnh quan xưa cũng không còn. Tuy nhiên, ký ức về làng Việt - Phi, câu chuyện về cổng Ma-rốc và chính sách hàng binh đặc biệt của Việt Nam thì còn mãi.

“Địa phương mong muốn được các chuyên gia, các nhà chuyên môn vào cuộc, thu thập thông tin, ghi nhận và hình thành hồ sơ để trình lên cấp có thẩm quyền quyết định công nhận cổng Ma-rốc là một di tích. Bên cạnh đó, tiếp tục quan tâm, đầu tư mở rộng khuôn viên cổng Ma-rốc, xây dựng thêm các hạng mục như nhà lưu niệm để biến nơi đây trở thành một địa chỉ văn hoá thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, học hỏi…” - Phó Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh Phạm Văn Hiệp bày tỏ mong muốn. 

Làng Việt - Phi dưới chân núi Tản Viên - Ảnh 10

10:29 07/05/2024