Lãnh đạo địa phương phải sâu sát hơn trong ứng phó thiên tai

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 17/5, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ phòng, chống thiên tai (PCTT) năm 2018.

 Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu phát biểu tại hội nghị
Năm 2017 được xem là năm thiên tai khi cả nước phải hứng chịu đến 16 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. TP Hà Nội cũng không nằm ngoài vùng ảnh hưởng khi chịu tác động trực tiếp của hai cơn bão số 2 và số 10 (đặc biệt là đợt mưa lũ từ ngày 10 - 12/10/2017), gây thiệt hại nghiêm trọng về đời sống và sản xuất của người dân. 
Thống kê của Ban Chỉ huy PCTT TP Hà Nội cho thấy, khoảng 7.000 nhà dân bị ngập, 7.000ha lúa, hoa màu và 9.000ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, cùng 8.000 gia súc bị chết, cuốn trôi… 18/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP bị thiệt hại, trong đó, hai huyện Chương Mỹ và Mỹ Đức phải tiến hành sơ tán hàng ngàn hộ dân khỏi vùng lũ. Tổng thiệt hại do thiên tai ước tính 1.500 tỷ đồng.

Thông tin tại hội nghị, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ Nguyễn Văn Bảy cho biết, từ tháng 5 đến tháng 10/2018, sẽ có từ 2 - 3 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến Bắc Bộ (trong đó có Hà Nội). Tổng lượng mưa từ tháng 5 - 7/2018 dao động từ 700 - 900mm, phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Toàn mùa có thể ghi nhận từ 3 - 7 đợt lũ. Ông Bảy nhận định, thời tiết thủy văn năm 2018 tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp và không theo quy luật.

Nhấn mạnh thiên tai đang ngày một diễn biến khó lường, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đề nghị các sở, ban ngành, các địa phương không được phép chủ quan. “Kinh nghiệm chỉ ra, hễ nhãn được mùa thì nước sẽ to.Trong khi đê điều của Hà Nội thì không được “khỏe” như chúng ta nghĩ…” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu cảnh báo.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực đề nghị các đơn vị khẩn trương xây dựng phương án hộ đê, bảo đảm an toàn hồ, đập. Sẵn sàng phương án ứng phó các cấp độ, tình huống, loại hình thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ” nhằm ứng phó chủ động, kịp thời với các sự cố. Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu cũng lưu ý các địa phương cần xây dựng phương án sơ tán Nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm (ven sông, địa bàn trũng thấp, nơi có nguy cơ sạt lở đất…). Đồng thời, dự trữ lương thực, thuốc men, hàng hóa vật tư thiết yếu để hỗ trợ, sớm khắc phục hậu quả và ổn định đời sống Nhân dân sau thiên tai…

Từ thực tế công tác chuẩn bị ứng phó với thiên tai của một số địa phương còn chưa đầy đủ, Phó Chủ tịch Thường trực yêu cầu các đơn vị phân công nhiệm vụ cụ thể, đồng thời, phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động PCTT trên địa bàn và thuộc lĩnh vực ngành quản lý. “Lãnh đạo các đơn vị phải trực tiếp xuống địa bàn, chỉ đạo sâu sát công tác chuẩn bị ứng phó với thiên tai, sẵn sàng với mọi tình huống trên tinh thần chủ động cao nhất…” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh.
Liên quan tới giải pháp phòng, chống úng ngập khi mưa lớn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Võ Tiến Hùng cho biết: Đơn vị đã triển khai thí điểm ứng dụng HSDC Maps. Hệ thống có chức năng cảnh báo ngập lụt, gợi ý chỉ đường, thông tin mực nước, hình ảnh camera của điểm ngập úng... Người dân có thể tải miễn phí ứng dụng trên về điện thoại thông minh để sử dụng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần