Lãnh đạo EVN: Điều chỉnh giá điện vào tháng 3 không phải là tiền lệ

Tin, ảnh: Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 22/5, phát biểu thảo luận tại tổ ĐB Quốc hội Đoàn TP Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành lý giải về nguyên nhân tăng giá điện 8,36%. Ông cho hay, việc điều chỉnh giá điện vào tháng 3 không phải là tiền lệ.

Thắc mắc của khách hàng đã được trả lời 100% và họ đều hài lòng
ĐB Dương Quang Thành cho biết, tổng hợp ảnh hưởng của một số yếu tố đầu vào chính gồm giá than, dầu, khí tăng và một số yếu tố khác đã làm tăng chi phí mua điện năm 2019 khoảng 20.000 tỷ đồng. Việc điều chỉnh giá điện lên 8,36% nhằm bù đắp cho khoản thiếu hụt này.
 ĐB Dương Quang Thành (đoàn Hà Nội) - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn EVN phát biểu, sáng 22/5. Ảnh: Hồ Hạ.
Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội cũng đã chỉ rõ, giá điện bình quân năm 2019 là 1.864,44 đồng/kWh. Các chi phí trong tính toán giá điện chỉ bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh của các hoạt động trong lĩnh vực điện, không bao gồm lĩnh vực khác và đầu tư ngoài ngành. Chi phí này tương ứng tỷ lệ tăng giá so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành là 8,36%.
“Việc điều chỉnh giá điện cũng đã được Thủ tướng Chính phủ nêu trong các báo cáo và đã được tính toán từ năm 2018”, ĐB Dương Quang Thành nói.
Cũng theo Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn EVN: “Kết luận gần nhất trước khi tăng giá điện là ngày 27/1/2019, Thường trực Chính phủ đã họp và đã có quy định điều chỉnh giá điện lên 8,36%. Từ ngày 27/1 - 20/3, trước khi tăng giá điện, Bộ Công Thương đã họp và báo cáo đầy đủ việc tăng giá điện vào ngày 20/3. Chính vì vậy, việc công khai minh bạch tăng giá điện đã được Chính phủ, Bộ Công Thương đã làm đầy đủ các thủ tục theo quy định”.
Trả lời thắc mắc tại sao EVN lại điều chỉnh giá điện vào mùa nắng nóng, ĐB Dương Quang Thành lý giải việc điều chỉnh giá điện vào tháng 3 không phải là tiền lệ. Cụ thể, từ năm 2017 đến nay có 11 lần điều chỉnh giá điện, trong đó có 4 lần điều chỉnh vào tháng 3 và 3 lần điều chỉnh vào tháng 12. Như vậy, tỷ lệ các lần điều chỉnh giá điện vào tháng 3 cao nhất trong các lần điều chỉnh giá điện.
Mặt khác, trong phân tích của Chính phủ, tháng 3 là tháng CPI thấp nhất, thuận lợi nhất cho việc điều chỉnh giá điện.
 ĐB Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội). Ảnh: Hồ Hạ.
Tranh luận với ĐB Dương Quang Thành, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho rằng, 3 lý do khiến tiền điện tháng 4 tăng cao được Chính phủ đưa ra là do thời tiết nắng nóng; tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện 8,36% và kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 4 dài hơn tháng 3/2019 chưa thuyết phục. Chẳng hạn, với lý do thứ nhất thì năm nào mùa hè cũng nắng nóng, nhiệt độ tăng cao. Rất nhiều khách hàng thắc mắc.
ĐB Dương Quang Thành đã giải thích rõ hơn về cách tính chỉ số công tơ hằng tháng và trong tháng 4 là 31 ngày, dài hơn 3 ngày so với kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 3/2019. Đó là một trong những nguyên nhân khiến tiền điện của các hộ sinh hoạt tăng cao.
Liên quan đến số lượng thắc mắc của khách hàng được ĐB Vũ Thị Lưu Mai đề cập, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN cho biết, thống kê của EVN từ số liệu phần mềm quản lý chăm sóc khách hàng cho thấy, từ ngày 20/3 - 4/5, Tập đoàn tiếp nhận và giải đáp 71.504 yêu cầu của khách hàng liên quan đến hóa đơn tiền điện.
Trong số này có 14.541 kiến nghị của khách hàng, chiếm tỷ lệ gần 20% thắc mắc về chỉ số công tơ điện, hóa đơn tiền điện. Các thắc mắc của khách hàng đã được trả lời 100%, các khách hàng đều hài lòng, đồng ý với kết quả giải quyết.
Số liệu thống kê cũng cho thấy tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mặc dù sản lượng điện và số lượng khách hàng sử dụng điện ở bậc thang cao (trên 200 kWh/tháng) cao hơn bình quân cả nước và hóa đơn tiền điện cao hơn nhưng số lượng kiến nghị về chỉ số, hóa đơn ít hơn nhiều so với các khách hàng ở các tỉnh, TP còn lại.
Cũng theo ĐB Dương Quang Thành: Trong khoảng thời gian trên, có 11 bài báo đã nêu phản ánh của khách hàng với địa chỉ cụ thể và 8 phản ánh của khách hàng qua Facebook. Những trường hợp này đều được đơn vị chức năng chủ động liên hệ xử lý, giải thích cặn kẽ. Khách hàng thắc mắc đã đồng ý với cách giải quyết của đơn vị.
Các tính toán của ĐB Lê Thu Hà không đúng

Chiều 22/5, bên hành lang quốc hội, ĐB Quốc hội Dương Quang Thành đã trả lời báo chí về phát biểu của ĐB Lê Thu Hà (Lào Cai) trong buổi sáng cùng ngày khi ĐB Hà cho rằng trên thực tế giá điện không tăng 8,36% như EVN đã công bố.

ĐB cho biết: "Trưa nay, tôi đã đọc nội dung phát biểu, các tính toán của ĐB Lê Thu Hà. Đó là một bảng tính sai, ĐB tính không đúng".

Lãnh đạo EVN khẳng định EVN đã tính toán chính xác, từng bậc thang một, có so sánh giữa trước và sau khi tăng giá điện, đều tăng từ 8,3%-8,4%. Cách tính giá theo thang bậc mà ĐB Lê Thu Hà đưa ra, các số liệu đó không nằm trong biểu giá mà Chính phủ quy định. Giá điện thì chỉ có giá bình quân mà Chính phủ quy định, chứ không có giá cơ sở nào khác.

"Bởi vì khi so sánh các bậc, nếu lấy bậc cơ sở là bậc 1, thì bậc 2, bậc 3 đến bậc 6 chúng ta đều có thể chia tỉ lệ và biết tăng lên bao nhiêu so với bậc 1. Khi so sánh các bậc với nhau thì phải so sách cùng một bậc trước và sau khi tăng giá điện", ĐB Dương Quang Thành cho hay.

Chủ tịch EVN cho rằng ĐB Lê Thu Hà có dẫn số liệu giá điện bậc 6 là 2.927 đồng cho 1 kWh nhưng con số này không đúng, bởi giá điện bậc 6 đang được áp dụng chỉ có hơn 2.700 đồng 1 kWh. EVN đã có bảng tính rất cụ thể, chúng tôi sẵn sàng cung cấp cho các bạn.

Trả lời câu hỏi về việc trước cách tính chưa đúng của ĐB, ông có gặp trực tiếp để giải thích không, ông Dương Quang Thành cho biết trưa 22/5 ông mới đọc bài phát biểu của ĐB Lê Thu Hà. "Tôi chưa gặp được ĐB Hà để giải thích. Nhưng sáng nay, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy có gửi cho tôi một số liệu giống như các số liệu của ĐB Thu Hà nêu ra, tôi đã cung cấp thông tin để ĐB Thúy nắm được vấn đề này. Có thể ĐB Hà và ĐB Thúy đã tiếp cận một nguồn tài liệu nào đó", ĐB Dương Quang Thành nói.

Về việc tại phiên thảo luận tổ sáng nay 22/5, một số ĐB Quốc hội đề nghị kiểm toán EVN để minh bạch giá điện, Chủ tịch EVN cho biết thực tế EVN đã được kiểm toán. ĐB Dương Quang Thành khẳng định: "Nếu Quốc hội yêu cầu tiếp tục kiểm toán thì chúng tôi sẵn sàng đáp ứng yêu cầu. Tôi đồng ý với các ĐBQH rằng mục đích là thông tin minh bạch, dư luận hiểu đúng".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần