Lãnh đạo “né” trách nhiệm, nên dẹp sang bên để người khác làm

Theo VOV.VN
Chia sẻ Zalo

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, những lãnh đạo có phát biểu mang tính bao biện cho cấp dưới đã thể hiện rõ sự nhụt chí và cần bị gạt sang một bên.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: ''Chống tham nhũng, ai nhụt chí thì dẹp sang một bên để người khác làm''.

Đề cập công tác phòng, chống tham nhũng tại cuộc họp của Ban Bí thư mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý: “Trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, ai nhụt chí thì dẹp sang một bên để người khác làm”.
Phát biểu này như là mệnh lệnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một mặt khuyến khích những người có trách nhiệm phải chống tham nhũng bằng hành động cụ thể, mặt khác cũng cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng thực sự rất cam go.
Làm thế nào để dẹp bộ phận còn “nhụt chí”, còn “đứng ngoài cuộc”, thậm chí còn chống đối sang một bên để cho những người có bản lĩnh, có quyết tâm vào cuộc?.
Bàn luận về nội dung này, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng cuộc chiến chống tham nhũng đang đi đến cao trào với nhiều vụ việc liên quan đến cả những cán bộ cấp cao cũng bị điều tra, khởi tố thời gian qua. Quyết tâm của Đảng đã nhận được sự đồng thuận rất cao từ nhân dân cả nước.
Bàn luận về lưu ý của Tổng Bí thư “ai nhụt chí thì dẹp sang một bên để người khác làm”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, đây là thông điệp thứ hai của Tổng Bí thư sau thông điệp “lò đã nóng thì củi tươi cũng phải cháy”.
“Nói câu này, Tổng Bí thư muốn cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo phải xác định lại quan điểm, lập trường khi tham gia vào công tác chống tham nhũng. Khi tham gia vào công tác này cán bộ phải có nhận thức đầy đủ, đúng đắn để có được bản lĩnh chính trị rõ ràng”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.
Từ phát biểu của Tổng Bí thư, những người tham gia chống tham nhũng sẽ không thể do dự, dao động được nữa. Người chống tham nhũng sẽ phải vượt qua tất cả những áp lực, những do dự để đấu tranh.
“Đây là một yêu cầu rất cao đối với các cán bộ công chức và những vị lãnh đạo hiện nay”, ông Nhưỡng nói.
Đánh giá về tình trạng tham nhũng gần đây, Trung ương tiếp tục khẳng định tham nhũng ở nước ta vẫn nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Đại biểu Nhưỡng cho rằng với mệnh lệnh của Tổng Bí thư “chống tham nhũng, ai nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”, sẽ có nhiều cán bộ, đặc biệt những cán bộ lãnh đạo nếu không thực sự quyết tâm chống tham nhũng sẽ phải đứng sang một bên.
“Tổng Bí thư có nói "ai nhụt chí” thì hãy “đứng sang một bên”. Đó là câu mệnh lệnh. Cũng có thể hiểu rằng ai cản trở, ai nhụt chí thì sẽ bị gạt sang một bên để người khác làm”, ông Nhưỡng bình luận.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng: ''Những lãnh đạo 'né' trách nhiệm nên dẹp sang một bên để người khác làm''.

Những vụ việc thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận thời gian gần đây như xe chở cây cổ thụ quá khổ, quá tải dễ dàng lọt qua cả chục trạm cảnh sát giao thông mà không hề bị phát hiện, xử lý, khi báo chí phản ánh, lực lượng CSGT đã chống chế: “do đối tượng đi vào giờ các trạm giao ca nên không phát hiện?"; vụ báo Lao Động phanh phui cán bộ Hải quan cảng Đình Vũ, Hải Phòng ngang nhiên nhận lót tay của doanh nghiệp ngay tại trụ sở và diễn ra hàng ngày, hàng giờ nhưng người đứng đầu Cục hải quan Hải Phòng lại trả lời báo chí: “đó chỉ là số ít cán bộ vi phạm” và nói rằng ông ta không hề hay biết?.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, cán bộ chúng ta hiện nay đang tồn tại những vấn đề về nhận định và thực thi nhiệm vụ.
Nhiều trường hợp cán bộ của chúng ta nhận định quá khéo, thậm chí, ông Nhưỡng dùng từ “lươn lẹo” để chỉ những trường hợp cụ thể như hai ví dụ nêu trên. Những nhận định của lãnh đạo cả hai vụ việc này đều rất nguy hiểm. Đó là những nhận định có tính chất bao che cho cấp dưới, đánh lừa dư luận về những hiện tượng được xác định là “tham nhũng vặt” nhưng có tính phổ biến, thường xuyên, liên tục và lâu dài. Thái độ này sẽ dẫn đến hiện tượng làm tha hóa cán bộ, bởi anh ta biết rằng “mình đang được bao che”.
Trở lại lưu ý của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “ai nhụt chí thì dẹp sang một bên để người khác làm”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng những lãnh đạo có phát biểu mang tính bao biện, bao che cho cấp dưới như hai ví dụ trên đã biểu hiện rõ sự nhụt chí và cần bị gạt sang một bên. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm khi để cho cấp dưới làm sai.
“Tất cả những cán bộ đã có vấn đề thì chúng ta phải gạt họ sang một bên, đúng như chỉ đạo của Tổng Bí thư”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng kết luận./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần