Lãnh đạo nghỉ hưu sau 15 năm, PBoC đứng trước thay đổi lịch sử

Ngọc Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ông Chu Tiểu Xuyên - Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) có thể về hưu sau hơn 15 năm lãnh đạo thể chế tài chính quan trọng hàng đầu Trung Quốc.

Bắt đầu lãnh đạo PBoC từ năm 2002, ông Chu Tiểu Xuyên, năm nay 70 tuổi, trở thành vị Thống đốc cầm quyền lâu nhất trong số lãnh đạo ngân hàng T.Ư của nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới (G20). Trong thời gian ông Chu làm Thống đốc PBoC, Trung Quốc đã trải qua 3 đời Chủ tịch nước và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng trải qua 3 đời Chủ tịch.
 Ông Chu Tiểu Xuyên.
Hiện, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn chưa đưa ra đề xuất người thay thế ông Chu, tuy nhiên, theo giới phân tích, trong số các ứng cử viên, có hai gương mặt tiêu biểu là ông Guo Shuqing - đứng đầu Ủy ban Giám sát ngân hàng Trung Quốc và ông Jiang Chaoliang - Bí thư Tỉnh ủy Hồ Bắc. Ngoài ra, danh sách ứng viên còn có ông Liu Shiyu - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc và ông Yi Gang - Phó Thống đốc PBoC.
Một trong những thành tựu lớn nhất của Thống đốc Chu Tiểu Xuyên là chấm dứt sự neo buộc trực tiếp của tỷ giá đồng Nhân dân tệ (NDT) vào đồng USD, đồng thời đồng NDT cũng chính thức được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) bổ sung vào rổ tiền tệ quốc tế cùng với các đồng USD của Mỹ, Euro của Liên minh châu Âu (EU), đồng Yên Nhật và bảng Anh. Điều này đồng nghĩa đồng Nhân dân tệ hiện có thể sử dụng rộng rãi trong các giao dịch thương mại hay tại các thị trường tài chính thế giới.
Không giống như nhiều ngân hàng T.Ư trên thế giới, PBoC không có toàn quyền quyết định chính sách. Thay vào đó, Hội đồng Nhà nước, cơ quan điều hành cấp cao nhất của nước này, đưa ra tiếng nói cuối cùng. Tuy vậy, PBoC thực sự đã trở nên mạnh mẽ hơn dưới thời Thống đốc Chu Tiểu Xuyên.
Về khía cạnh kinh tế, Trung Quốc đang dần thu hẹp khoảng cách với Mỹ, đồng thời được các tổ chức kinh tế dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trước năm 2030. Tuy nhiên, quy mô thị trường vốn Trung Quốc hiện được cho không tương xứng với vị thế của một siêu cường, vấn đề nhà lãnh đạo tương lai của PBoC sẽ cần tập trung giải quyết.
Trung Quốc đang nỗ lực chuyển dịch mô hình tăng trưởng kinh tế vốn phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư và xuất khẩu theo hướng phát triểu tiêu dùng, dịch vụ và công nghệ. Tuy nhiên, hiện quốc gia này vẫn đang phải xử lý hậu quả từ tình trạng phát triển quá nóng thời gian qua khi con số nợ xấu trong hệ thống tài chính đã lên tới 7.600 tỷ USD.
Ngoài ra, sự thiếu nhất quán trong chính sách tỷ giá hối đoái của Trung Quốc cũng khiến các ngân hàng T.Ư trên thế giới còn e dè sử dụng đồng NDT trong các khoản dự trữ chính thức, cho thấy một khoảng cách còn xa để đồng tiền này có thể thách thức vị thế thống trị của đồng USD.
Việc ông Chu Tiểu Xuyên ra đi rõ ràng sẽ để lại khoảng trống lãnh đạo lớn tại PBoC, tuy nhiên, đây cũng sẽ là cơ hội cho người kế nhiệm ông có thể đưa ra những thay đổi mang tính định hướng cho tương lai, nhất là khi nền kinh tế Trung Quốc đang tiến vào giai đoạn phát triển mới với nhiều thách thức và khó khăn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần