Lãnh đạo Sở GD&ĐT khởi nguồn gian lận thi cử tại Hà Giang

Nguyên Bảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 14/10, sau khi kết thúc phần xét hỏi đối với bị cáo Vũ Trọng Lương, HĐXX tiếp tục xét hỏi bị cáo Nguyễn Thanh Hoài - nguyên Trưởng phòng Khảo thí, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang. Tại tòa, bị cáo Hoài đã thừa nhận bản thân là người khởi xướng và chủ mưu việc can thiệp nâng điểm cho các thí sinh ở Hà Giang.

 Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài được dẫn giải tới phiên toà.
Khai nhận tại toà, bị cáo Hoài cho biết, việc can thiệp nâng điểm khởi nguồn từ việc 5 cán bộ, lãnh đạo thuộc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang nhờ nâng điểm cho con em trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Trong đó, có bị cáo Phạm Văn Khuông nhờ nâng cho con và bị cáo Triệu Thị Chính đưa danh sách 13 thí sinh và 3 cán bộ khác cùng cơ quan nhờ nâng điểm cho con em.
Khi nhận được đề nghị, bị cáo Hoài đã trao đổi với Vũ Trọng Lương. Sau khi bị cáo Lương kiểm tra kỹ và phản hồi có thể can thiệp để nâng điểm thì Hoài đã 3 lần đưa thông tin tổng số 93 thí sinh cần nâng điểm. Theo lời khai của Hoài, bị cáo Chính đưa mẩu giấy khổ A4 và có chữ đánh máy danh sách kèm theo các thông tin số báo danh, địa điểm thi về 13 thí sinh nhờ Hoài nâng điểm.
Tiếp đó, bị cáo Hoài đã làm rõ nội dung mẩu giấy có nội dung “Lão Phật gia nhờ”. Theo đó, trong quá trình điều tra vụ án, Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Hà Giang đã thu một mẩu giấy ghi chữ “Lão phật gia” kèm số báo danh của một thí sinh. Chi tiết này được nhắc đến trong kết luận điều tra của vụ án. 
Trả lời HĐXX về chi tiết này, bị cáo Hoài khẳng định, mẩu giấy này không liên quan đến kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018. Theo Hoài, “Lão Phật gia” là chị Tống Thị B. - nguyên Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Hà Giang đã nghỉ hưu từ năm 2012. Mẩu giấy này có từ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 do “Lão phật gia” nhờ xem điểm giúp.
“Trước đây trong phòng Khảo thí, nhiều anh em trong phòng biết đến tên gọi này. Cơ sở để bị cáo khẳng định số báo danh trên mẩu giấy này không phải là thí sinh của kỳ thi THPT quốc gia là mã số báo danh khác với số báo danh được dùng trong kỳ thi này” – bị cáo Hoài khai nhận.
Cũng tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thanh Hoài nhiều lần khẳng định không nhận tiền và cũng không được hứa hẹn, không bị ép buộc khi thực hiện việc nâng điểm thi cho các thí sinh. HĐXX cho rằng cách trả lời của Hoài khó có thể thuyết phục người nghe nhưng Hoài cho rằng mình làm chỉ vì “tình cảm”. Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài cũng khai tên tuổi, chức danh của 47 người sống trên địa bàn tỉnh Hà Giang có con em tham dự kỳ thi THPT Quốc gia 2018 và nhờ Hoài nâng điểm. Sau đó, Hoài chỉ đạo Vũ Trọng Lương thực hiện việc nâng điểm.