Lãnh đạo TP Hà Nội quyết liệt chỉ đạo công tác phòng chống mưa lũ tại huyện Chương Mỹ

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 10 ngày qua, mưa lũ đã làm đảo lộn cuộc sống của hàng nghìn người dân tại huyện Chương Mỹ. Bên cạnh công tác chỉ đạo ứng phó kịp thời, các cấp chính quyền Thủ đô đang nỗ lực hỗ trợ người dân vùng ngập lụt ổn định cuộc sống.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung kiểm tra công tác phòng chống ngập lụt tại đê tả sông Bùi đoạn qua xã Thanh Bình, huyện Chương Mỹ chiều 30/7. Ảnh: Thanh Hải.

Tuyệt đối không chủ quan với diễn biến phức tạp của thiên tai
Thời gian qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 từ ngày 18/7 đến ngày 21/7/2018, trên địa bàn huyện Chương Mỹ có mưa vừa, mưa to đến rất to gây ngập úng cục bộ trong nhiều xã. Những ngày sau đó mưa rải rác kết hợp lũ rừng ngang từ Hòa Bình liên tục đổ về đoạn sông Bùi khiến nước tiếp tục dâng cao.

Tính đến chiều 30/7, đê Hữu sông Bùi cao trình 6,5m đã bị tràn được 1 tuần. Đê tả Bùi cao trình 7,5m nước đã vượt báo động 3. Trước tình hình trên, lãnh đạo TP đã thu xếp mọi cuộc họp, dừng các việc chưa thực sự cần thiết để trực tiếp xuống hiện trường thị sát, chỉ đạo công tác phòng chống ngập lụt tại địa phương.

Có mặt tại đê tả sông Bùi, đoạn qua xã Thanh Bình (huyện Chương Mỹ) vào chiều 30/7, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đề nghị lãnh đạo huyện Chương Mỹ thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo, đồng thời đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của huyện đã chăm lo cung cấp nước, nhu yếu phẩm cho bà con các xã bị ngập.

Về công tác ứng phó việc tràn đê, Chủ tịch UBND TP cho biết, trong thời gian qua Thường trực Thành ủy đã trực tiếp chỉ đạo các phương án chuẩn bị cho bà con vùng phân lũ. Qua đó bà con nhận thức được rõ các tình huống trong vùng phân lũ và đã chủ động chuẩn bị kỹ lưỡng. Tuy nhiên, trong mấy ngày qua, khi lũ dâng cao thì có hơn 1.000 hộ bị ngập sâu.

Trước dự báo nước lên đỉnh điểm vào khoảng ngày 31/7 - 1/8, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đề nghị huyện tiếp tục kêu gọi người dân thuộc các xã trong khu vực đê tả Bùi khẩn trương thu dọn đồ đạc chuyển lên tầng 2 của nhà. Để phòng ngừa trường hợp xấu nhất là có mưa to và lũ lớn phải khẩn trương di dời 14.000 hộ dân trong vùng xác định bị ảnh hưởng trong đêm nay (30/7), tuyệt đối không để xảy ra trường hợp tai nạn đáng tiếc nào.
Lãnh đạo TP Hà Nội quyết liệt chỉ đạo công tác phòng chống mưa lũ tại huyện Chương Mỹ - Ảnh 2
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đến thăm và tặng quà cho gia đình Thương binh 1/4 Nguyễn Hữu Di (thôn Tiến Tiên, xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ) chiều 25/7. Ảnh: Thủy Tiên.

Như đánh giá của Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài (Bộ NN&PTNT) trong buổi làm việc với huyện Chương Mỹ vào chiều cùng ngày, sự cố tràn đê sông Bùi "là tình huống đặc biệt nhưng không phải tình huống bất thường, bởi năm ngoái đã xảy ra, năm nay lại tiếp tục", nguyên nhân không phải do xả lũ hồ Hòa Bình. Hiện nay hồ Hòa Bình đóng toàn bộ các cửa xả, đây là tình huống do mưa ở rừng ngang và từ trên núi đổ về. 
Tuy theo đánh giá của người đứng đầu công tác phòng chống thiên tai của Bộ NN&PTNT là vậy, nhưng TP Hà Nội, đặc biệt lãnh đạo TP không chủ quan với những diễn biến bất thường của thời tiết.

Trước đó, ngay trong chiều 24/7, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn cùng Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu đã dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra tình hình ứng phó với mưa lũ tại huyện Chương Mỹ.

Đoàn đã trực tiếp đi xuồng xuống các thôn nắm tình hình, thăm hỏi đời sống, động viên và tặng quà một số hộ dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai ở xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ.

Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân sẵn sàng triển khai phương án ứng phó các tình huống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”; trong đó, cần quan tâm giữ vững an ninh trật tự, tài sản cho người dân vùng bị ngập úng nặng.
Lãnh đạo TP Hà Nội quyết liệt chỉ đạo công tác phòng chống mưa lũ tại huyện Chương Mỹ - Ảnh 3
Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn thăm hỏi, tặng quà hộ gia đình ông Trịnh Bá Thích ở thôn Hạnh Bồ, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ chiều 24/7. Ảnh: Trọng Tùng.

Tiếp sau đó, chiều 25/7, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã đi kiểm tra vùng lũ, đến thăm và tặng quà hỗ trợ cho bà con Nhân dân đang chịu thiệt hại bởi mưa lũ trên địa bàn huyện.

Tại buổi kiểm tra, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc ghi nhận và hoan nghênh chính quyền địa phương đã chủ động trong công tác chỉ đạo, cảnh báo kịp thời cho người dân để không có thiệt hại về người và giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu chính quyền và các lực lượng của huyện không được chủ quan, tiếp tục thống kê chính xác con số thiệt hại, có chính sách hỗ trợ để đảm bảo cuộc sống, ổn định sản xuất cho bà con. “Công tác hỗ trợ phải công bằng, minh bạch và quà hỗ trợ phải đến tận tay người dân”, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.
Đồng thời, Chủ tịch HĐND TP yêu cầu huyện cần chú trọng đảm bảo công tác an toàn cho bà con, đặc biệt là không để xảy ra tình trạng trẻ đuối nước, bị điện giật. Để thể hiện tình cảm và trách nhiệm với Nhân dân Chương Mỹ, đoàn đại biểu của HĐND TP đã hỗ trợ bà con của huyện 1 tấn gạo, 100 thùng sữa, 100 thùng nước, 100 thùng mỳ, gần 100 triệu đồng.
Chăm lo, đảm bảo ổn định đời sống cho bà con

Trước sự quan tâm chỉ đạo kịp thời, sát sao của lãnh đạo TP, cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền huyện Chương Mỹ đã nâng cao tinh thần, tuyệt đối không chủ quan trong công tác phòng chống thiên tai.

Ngay từ ngày 17/7, khi cơn bão số 3 chưa đổ bộ vào đất liền, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai huyện đã ban hành công điện yêu cầu các thành viên Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm cứu nạn của huyện; Chủ tịch UBND các xã, thị trấn, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Xí nghiệp Đầu tư và Phát triển thủy lợi huyện Chương Mỹ, Công ty Điện lực huyện chuẩn bị đối phó với diễn biến của cơn bão số 3.
Cuộc sống người dân đảo lộn do mưa lũ. Ảnh: Hồ Hạ.

Sáng 21/7, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Thắng cùng đoàn công tác đã đi thị sát, kiểm tra tình hình và trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa úng ở một số xã và một số trạm bơm trong huyện. Đồng thời yêu cầu các thành viên của Ban, các xã, thị trấn, Xí nghiệp Đầu tư Phát triển thủy lợi huyện Chương Mỹ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, mực mước sông, hồ và trên đồng ruộng, đề phòng sạt lở đất, lũ quét có thể xảy ra; phân công cán bộ, lực lượng trực 24/24 để chủ động sẵn sàng ứng phó với tình hình và khắc phục hậu quả mưa bão. Bên cạnh đó chuẩn bị sẵn sàng các phương án sơ tán dân trong trường hợp cần thiết.

Đêm 29/7, trước tình hình nước sông Bùi dâng cao, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng đã trực tiếp cùng lãnh đạo xã Thanh Bình và hơn 500 cán bộ, lực lượng dân quân tự vệ, công an xã và Nhân dân chống tràn đê tả Bùi với chiều dài hơn 1,5km.
Ông Đinh Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cùng lãnh đạo xã Thanh Bình kiểm tra tại tuyến đê tả Bùi đêm 29/7. Ảnh: Kim Thoa.

Để khắc phục hậu quả mưa lũ, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, huyện Chương Mỹ đã trích ngân sách, tiếp nhận hàng hóa của các cơ quan đơn vị trong và ngoài huyện trao tặng, tổ chức nhiều đoàn ứng trực 24/24, xuống từng hộ dân động viên, trao quà là các nhu yếu phẩm sinh hoạt cần thiết cho người dân. Bên cạnh đó, huyện đã triển khai tốt công tác chăm lo, đảm bảo ổn định đời sống cho bà con; nước rút đến đâu thực hiện tổng vệ sinh môi trường đến đó để phòng chống dịch bệnh sau lũ.

Đặc biệt, ngay sau phản ánh của báo Kinh tế & Đô thị về tình hình rác thải tại "rốn ngập" xóm Bèo, UBND huyện đã triển khai kế hoạch tổng vệ sinh môi trường sau ngập úng. Tại xã Nam Phương Tiến, Tân Tiến trong 2 ngày 27 và 28/8, lực lượng phụ nữ, thanh niên, Nhân dân cùng công nhân Công ty vệ sinh môi trường Xuân Mai đã tiến hành thu gom rác thải trôi dạt trên mặt nước và các điểm tập kết rác ở các ngõ xóm gây ô nhiễm môi trường.

Trong 2 ngày, chỉ tính riêng tại xã Nam Phương Tiến đã thu gom hơn 6 tấn rác thải. Xã đã huy động công nông và Công ty môi trường đô thị Xuân Mai huy động 2 ô tô để chở rác đi xử lý.

Đến chiều 30/7, khi PV báo Kinh tế & Đô thị trở lại xóm Bèo ghi nhận rác đã được đẩy ra khỏi khu dân cư, mọi nhà dân đều khá sạch sẽ, người dân phấn khởi và hài lòng trước sự vào cuộc tích cực của địa phương.
Chung tay hỗ trợ bà con vùng lũ

Bên cạnh công tác chỉ đạo, điều hành, TP cũng xác định rõ những vấn đề dân sinh cấp thiết của người dân để huy động các tổ chức xã hội, các DN, đơn vị, cá nhân cùng chung tay giúp đỡ bà con vùng lũ.

Tiêu biểu như chiều 24/7, Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội đã tổ chức đoàn đến thăm hỏi, tặng quà 1.850 hộ dân trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Mỗi hộ nhận được một suất quà bao gồm đồ dùng thiết yếu như gạo, mì tôm, lương khô, nước uống, đèn pin, nến… Toàn bộ hàng hóa hỗ trợ trị giá khoảng 320 triệu đồng do Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội vận động các Chi hội Chữ thập đỏ, các nhà hảo tâm ủng hộ trong ngày 23 và sáng 24/7.
Hội Chữ thập đỏ TP trao quà cho bà con vùng lũ chiều 24/7. Ảnh: Trần Thảo.
Tiếp đó ngày 26/7, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã trích 500 triệu đồng từ Quỹ “Cứu trợ” TP để hỗ trợ Nhân dân huyện Chương Mỹ. Số tiền trên ngay lập tức được chuyển về Quỹ “Cứu trợ” của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chương Mỹ.

Cũng trong ngày 26/7, Công ty TNHH CoCa - CoLa Việt Nam đã tổ chức trao tặng 300 thùng nước tinh khiết, trị giá hơn 26 triệu đồng cho người dân ngập úng trong huyện. Sau đó cán bộ, nhân viên Công ty đã xuống tận địa bàn xã Tân Tiến để thăm tình hình ngập úng và tặng quà bà con trong xã.

Ngày 29/7, thanh niên các đơn vị trong Cụm thi đua số 8 Công an TP gồm Công an huyện Thường Tín, Thanh Trì, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai, Quốc Oai, Chương Mỹ đã đến hỗ trợ, tặng nhu yếu phẩm cần thiết, chia sẻ khó khăn vất vả với bà con trong vùng ngập.

Theo thống kê sơ bộ của huyện Chương Mỹ, trong khoảng 10 ngày qua địa phương đã tổ chức đón và tiếp nhận hàng cứu trợ của nhiều đoàn là các cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện trao tặng.

Đây là những phần quà rất thiết thực gồm lương thực, nước uống, thuốc men, nến thắp sáng... Ngay khi tiếp nhận huyện đã phân phát về các xã, chia về tận hộ dân. Tuy nhiên, cũng theo phản ánh của địa phương, số hàng cứu trợ trên chưa thể chia hết cho bà con do khó khăn về phương tiện vận chuyển.