Lành mạnh hoá các trung tâm sát hạch lái xe

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Muốn siết chặt quản lý cũng như xử phạt mạnh các cơ sở đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe vi phạm thì ngoài việc các Sở GTVT phải nâng cao vai trò giám sát của mình cũng cần phải có chế tài rõ ràng.

Thế nhưng, chế tài xử phạt hiện giờ thanh tra đang áp dụng có từ năm 2002 đến nay chưa được thay thế nên phần nào bộc lộ nhiều "lỗ hổng".
 
Thực hiện nhất quán chủ trương xã hội hoá, phát triển mạnh các cơ sở đào tạo lái xe, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, là một trong những mục tiêu được các nhà quản lý ngành Giao thông vận tải hướng tới. Song, khi cơ sở đào tạo phát triển nhiều thì dường như chất lượng lại có phần đi xuống khi mà lần nào Đoàn Thanh tra công tác quản lý đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe của Tổng cục Đường bộ, Bộ Giao thông vận tải đi thị sát tình hình tại các địa phương cũng đều phát hiện sai phạm. Thế nhưng, để xử lý tận gốc những thiếu sót là điều dường như không thể bởi khi mang quy chế xử phạt ra soi mới hay… thiếu chế tài, hoặc nếu có thì chung chung không rõ ràng.
 
Tồn tại, thiếu sót: Cơ sở đào tạo nào cũng có
 
Đó là nhận định của ông Trịnh Viết Lộc - Phó Chánh Thanh tra, Bộ Giao thông vận tải với phóng viên Báo CAND khi nhắc đến kết quả mỗi lần đi kiểm tra các cơ sở đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe trên toàn quốc. Ông Lộc dẫn chứng, từ đầu năm đến nay chỉ riêng đoàn Thanh tra của Bộ đã đi thanh tra tại 9 Sở GTVT và một số cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ ở một số địa phương thì hầu như đều phát hiện sai phạm.
 
Cụ thể: Tại tỉnh Sóc Trăng có Công ty TNHH Thành Phúc - Chi nhánh Sóc Trăng và Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng không tuyển sinh được học viên nhưng vẫn báo cáo nên sẽ phải xem xét thu hồi giấy phép đào tạo lái xe môtô hạng A1; Sở GTVT Quảng Bình thì duyệt sát hạch, cấp GPLX cho thí sinh chưa đủ tuổi theo quy định; thậm chí có Trung tâm dạy nghề Quỳnh Mai tỉnh Bắc Kạn do tuyển sinh quá lưu lượng cho phép nên đã bị đình chỉ tuyển sinh đào tạo lái xe ôtô trong thời gian 3 tháng…
 
Cùng đó, Vụ Quản lý phương tiện và người lái, thanh tra Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng từng tiến hành kiểm tra tại 10 Sở GTVT và các cơ sở đào tạo lái xe tại các địa phương, ngay sau đó đã phải kiến nghị Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam xử lý đình chỉ tuyển sinh 3 tháng đào tạo lái xe ôtô với 3 cơ sở đào tạo lái xe ôtô tại Tuyên Quang và TP HCM; đồng thời điều chỉnh hạ lưu lượng đào tạo lái xe ôtô với 2 cơ sở đào tạo lái xe ôtô tại Bắc Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu; yêu cầu 3 cơ sở đào tạo lái xe tại TP HCM khắc phục và báo cáo kết quả thực hiện với Tổng cục Đường bộ Việt Nam về các tồn tại trong công tác đào tạo lái xe.
 
Đáng nói hơn, vào tháng 7/2011, đoàn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục đi kiểm tra 3 cơ sở đào tạo lái xe của tỉnh Quảng Ngãi, phát hiện cả 3 cơ sở đào tạo lái xe (Trung tâm Đào tạo kỹ thuật nghiệp vụ GTVT Quảng Ngãi; Trường Cao đẳng nghề cơ giới; Trung tâm Đào tạo lái xe cơ giới đường bộ Quảng Ngãi - Chi nhánh Công ty CP Dịch vụ giao thông vận tải Quảng Ngãi) có thời điểm từ năm 2010 và trong 6 tháng đầu năm 2011 đã tuyển sinh, đào tạo lái xe vượt lưu lượng của giấp phép được cấp…
 
Chế tài không rõ ràng, khó xử lý vi phạm
 
 
Theo thống kê của Bộ GTVT, hiện cả nước có 271 cơ sở đào tạo lái xe ôtô (trong đó Hà Nội là 46 cơ sở, TP Hồ Chí Minh là 45 cơ sở) có thể đáp ứng cùng lúc là 147.101 học viên; hơn 400 cơ sở đào tạo lái xe môtô và 78 trung tâm sát hạch lái xe.
 
Hằng năm, dưới sự chỉ đạo của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vẫn thường xuyên thực hiện đổi mới, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công tác quản lý vào việc đổi mới xe dạy lái, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, chuẩn hóa mô hình, học cụ… Ấy vậy mà sai phạm vẫn hoàn sai phạm.
 
Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng thừa nhận công tác quản lý đào tạo, cấp GPLX hiện nay vẫn còn những tồn tại như việc thực hiện nội dung, chương trình, kế hoạch đào tạo chưa nghiêm, chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe chưa đồng đều, một số nơi chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là các khoá học lái xe không chuyên nghiệp...
 
Ông Trịnh Viết Lộc, Phó Chánh Thanh tra cho rằng, để xảy ra tình trạng trên trước hết là do sự quản lý lỏng lẻo từ địa phương. Tiếp đến là do chế tài xử phạt chưa đủ mạnh. Muốn siết chặt quản lý cũng như xử phạt mạnh các cơ sở vi phạm thì ngoài việc các Sở GTVT phải nâng cao vai trò giám sát của mình cũng cần phải có chế tài rõ ràng. Thế nhưng, chế tài xử phạt hiện giờ thanh tra đang áp dụng có từ năm 2002 đến nay chưa được thay thế nên phần nào bộc lộ nhiều "lỗ hổng".
 
Ông Lộc dẫn chứng, trong quy chế xử phạt có quy định cơ sở đào tạo nào cố tình đào tạo vượt quá lưu lượng cho phép thì sẽ bị đình chỉ tuyển sinh đào tạo từ 3-6 tháng. Tuy nhiên, lại không quy định rõ là vượt số lượng bao nhiêu phần trăm, hay cụ thể là bao nhiêu người. Mà để mở một cơ sở đào tạo đủ tiêu chuẩn, chi phí cũng mất tới triệu đô/cơ sở. Nếu bị đình chỉ một ngày thiệt hại sẽ rất nặng nề, do đó, khi quy chế chưa quy định cụ thể là vượt bao nhiêu thì thanh tra cũng khó áp dụng hình thức đình chỉ đối với những cơ sở có số lượng người vượt không nhiều.
 
Hay như trong quá trình thi lái xe ôtô, phần thi đường trường rất khó giám sát chặt chẽ nên dễ dẫn đến tiêu cực. Vấn đề đến nay vẫn đang được nghiên cứu giải pháp khắc phục, song không dễ dàng gì, ông Lộc nhấn mạnh.