Lánh nạn ở “Ngôi nhà bình yên”

Ngọc Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tròn 10 năm đi vào hoạt động, “Ngôi nhà bình yên” nằm trên đường Thụy Khuê (quận Tây Hồ) do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) thành lập đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều mảnh đời.

Nơi đây là mái ấm thứ hai, cưu mang, nâng đỡ và mang tới những cuộc sống mới tốt đẹp hơn cho nhiều phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình và tình trạng mua bán người trái pháp luật.
Những cuộc đời sóng gió

Một ngày mùa Đông năm 2013, hai mẹ con chị P.T.Y, quê huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, tìm đến “Ngôi nhà bình yên” để tìm kiếm sự giúp đỡ. Lập gia đình năm 2007, nhưng đời sống hai vợ chồng hết sức chênh vênh. Người chồng gia trưởng, không những không là trụ cột gia đình, mà còn thường xuyên mắng chửi, đánh đập vợ và con gái. Gần một tuần trước lễ cưới, chị Y. nhận cú sốc khi biết chồng từng có vợ, con.
Hàng ngàn phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình và nạn mua bán người đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Ngôi nhà Bình yên.
Dù được mọi người can khuyên, nhưng chị Y. vẫn quyết định kết hôn, bởi với chị, chuyện quá khứ dù sao cũng đã là quá khứ. Nhưng hy vọng đó của chị rốt cuộc chỉ khiến chị thêm phần thất vọng. Hai tháng sau ngày cưới, một người phụ nữ trẻ với chiếc bụng bầu tìm đến nói với chị rằng đã bị người chồng mà chị tin yêu… lừa dối. Suy sụp, nhưng trong thâm tâm chị Y. vẫn không ngừng hy vọng người chồng sẽ thay đổi. Ấy thế nhưng ngay cả giai đoạn chị mang bầu, tâm tính anh ta vẫn chẳng đổi thay. Hằn học, ghen tuông vô cớ, thậm chí còn đe đọa giết chết cả hai mẹ con nếu chị dám nghĩ đến chuyện ly hôn. Sợ hãi, chị ôm con gái mới tròn 3 tuổi chạy trốn và tìm đến Ngôi nhà Bình yên lánh nạn. Tại đây, chị Y. được các chuyên gia tư vấn của Ngôi nhà Bình yên hỗ trợ điều trị về thể chất, tinh thần. Con gái chị cũng được chăm sóc, dạy dỗ tại nhà trẻ do Ngôi nhà Bình yên lập nên trong gần 1,5 năm, trước khi cháu bước vào lớp 1.

Năm 2008, cuộc sống bình yên của gia đình chị N.T.H ở xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ chấm dứt khi cô con gái mới 5 tuổi trở thành nạn nhân của xâm hại tình dục. Những tưởng hai mẹ con sẽ có được tình yêu thương nhiều hơn từ người chồng, người cha. Thế nhưng, anh lại trút nỗi đau trong lòng lên hai mẹ con. Chị H. thường xuyên bị chồng đánh đập, có lúc phải vào viện điều trị. Áp lực về thể xác và tinh thần khiến chị H. gần như tuyệt vọng. “Tôi đã rất hoảng sợ và khóc rất nhiều. Chỉ ước có thể hóa thành nước mắt và cứ thế chảy đi…” - chị H. tâm sự. Thế rồi tia hy vọng lóe sáng khi chị được một người thân quen giới thiệu đến Ngôi nhà Bình yên vào tháng 3/2009. Tại đây, con gái chị được đưa đến điều trị tại Bệnh viện Nhi và Bệnh viện Phụ sản T.Ư, kết hợp tư vấn tâm lý trị liệu. Đến nay sau gần 2 năm, cháu đã tìm lại được nét hồn nhiên tưởng như đã đánh mất. Chị H. được giới thiệu đến Trung tâm dạy nghề Hoa Sữa học nghề bàn bếp. Con gái chị cũng được Trung tâm Phụ nữ và Phát triển giúp đỡ để vào học tại một trường tiểu học ở quận Tây Hồ. Giờ đây, mỗi khi nhắc lại câu chuyện cũ, chị H. không ngớt lời cảm ơn những cán bộ tận tâm ở “Ngôi nhà bình yên”. Nhờ những năm tháng sống dưới mái ấm này, hai mẹ con chị như thể được sống lại lần thứ hai trong đời.

Gốc rễ là bất bình đẳng về giới

Các chị P.T.Y và N.T.H chỉ là 2 trong số những nạn nhân của bạo lực gia đình đã tìm đến với “Ngôi nhà bình yên” trong suốt 10 năm qua. Theo thống kê của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, từ khi được thành lập (tháng 3/2007) đến nay, “Ngôi nhà bình yên” đã hỗ trợ được tổng số 1.009 nạn nhân đến từ 48 tỉnh, thành trên cả nước. Trong đó, có 672 nạn nhân bị bạo lực gia đình và 337 trường hợp bị mua bán trở về. “Ngôi nhà bình yên” cũng đã hỗ trợ tham vấn cho trên 8.000 trường hợp gặp hoàn cảnh khó khăn khác. Bà Phạm Thị Hương Giang - Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển cho biết, tại “Ngôi nhà bình yên”, phụ nữ và trẻ em bị bạo lực gia đình được cung cấp nơi ăn chốn ở, khám và điều trị phục hồi sức khỏe (thể chất và tinh thần), tư vấn hỗ trợ pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; hỗ trợ giáo dục, học nghề (giúp việc, làm tóc, trang điểm, nữ công gia chánh…), giới thiệu việc làm. Tất cả đều hoàn toàn miễn phí. Đặc biệt, để giúp những phụ nữ và trẻ em bị bạo lực hồi gia, tái hòa nhập cộng đồng bền vững, cán bộ Ngôi nhà Bình yên còn tìm về với từng địa phương nơi người tạm trú sinh sống. Một mặt tìm hiểu gia cảnh, mặt khác làm việc với chính quyền địa phương, nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các trường hợp phụ nữ và trẻ em hồi gia.

Từ những kiến thức tích lũy trong gần 10 năm làm công tác tham vấn tại “Ngôi nhà bình yên”, bà Lê Thị Phương Thúy - Trưởng phòng Tư vấn và Hỗ trợ phát triển (Trung tâm Phụ nữ và Phát triển) cho biết, phụ nữ bị bạo hành có ở tất cả các ngành nghề, lĩnh vực. Trong số gần 700 phụ nữ bị bạo hành tìm đến “Ngôi nhà bình yên” những năm qua, trên 50% bị bạo lực từ 1 - 5 năm. Khoảng 25% bị bạo lực từ 5 - 10 năm. Đáng chú ý, gần 85% phụ nữ bị bạo lực gia đình kéo dài nhưng… cam chịu. Theo bà Thúy, nguyên nhân dẫn tới bạo lực gia đình là bất bình đẳng về giới, trong đó, các định kiến về giới là nguyên nhân chủ yếu. Tức người chồng luôn coi vợ là “vật sở hữu” nên “muốn làm gì thì làm”. Các trường hợp bị bạo hành cũng thường phải cùng lúc hứng chịu nhiều loại hình (thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế). Theo chia sẻ của bà Thúy, không ai có quyền quyết định được cuộc sống của người khác. Đó là lý do Ngôi nhà Bình yên đang nỗ lực với sứ mệnh hỗ trợ các chị em phụ nữ và trẻ em có được kiến thức, kỹ năng để tự tin và chủ động đưa ra những quyết định cho cuộc sống.

Nỗ lực ngăn chặn bạo lực gia đình

Bên cạnh duy trì hoạt động của “Ngôi nhà bình yên”, hàng năm Trung tâm Phụ nữ và Phát triển còn tổ chức rất nhiều các hoạt động truyền thông, đào tạo, nâng cao năng lực phòng, chống bạo lực giới trong các tầng lớp. Một trong những hoạt động quan trọng là việc thành lập nên nhóm Tự lực như cánh tay nối dài trong nỗ lực phòng, chống bạo lực gia đình. Đến nay, số lượng thành viên của nhóm đã lên tới trên 70 người, chủ yếu là phụ nữ tại Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận.

Chị Đ.T.T (ở quận Ba Đình) - Trưởng nhóm Tự lực và cũng từng là nạn nhân của bạo lực gia đình chia sẻ, hoạt động của nhóm chủ yếu thông qua tư vấn hỗ trợ đồng cảnh ngộ. Do khoảng cách địa lý, điều kiện gặp gỡ hạn chế nên nhóm Tự lực đã thành lập website: www.baolucgiadinh.com, và Fanpage trên mạng xã hội Facebook có tên “Chung tay phòng, chống bạo lực gia đình”. Đây là những kênh thông tin được xem là rất hữu ích dành cho những chị em không may rơi vào tình cảnh bị bạo hành cần được chia sẻ, tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ. Điều khá đặc biệt là không ít trường hợp chị em phụ nữ lấy chồng, hiện đang sinh sống ở nước ngoài (Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Cộng hòa Séc…) cũng đã bước đầu biết và tìm đến với nhóm Tự lực để được chia sẻ các kinh nghiệm trong ứng phó bạo lực gia đình và được giới thiệu tiếp cận các dịch vụ của Ngôi nhà Bình yên.

Những năm qua, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu về xây dựng các giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình. Một loạt các bộ luật đã được Chính phủ thông qua như: Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em… Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Hương Giang - Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, tình trạng bạo lực gia đình vẫn chưa dừng lại. Đó là do nhận thức chưa đầy đủ của một số bên liên quan. Đối với người bị bạo hành, họ chưa trân trọng và yêu quý bản thân. Còn đối với những người thực thi, bảo vệ pháp luật, mối bận tâm lại chưa đầy đủ; việc thực thi trách nhiệm bảo vệ phụ nữ, trẻ em có lúc, có nơi còn chưa đúng mức, kịp thời. Theo đó, đã đến lúc cần xem xét cả trách nhiệm của Chủ tịch UBND và cán bộ giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương nơi để xảy ra phổ biến tình trạng bạo lực gia đình. Cũng theo bà Giang, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đang đề xuất Chính phủ cho phép mở rộng hoạt động của mô hình Ngôi nhà Bình yên, trước mắt là thành lập thêm 2 nhà tại Cần Thơ và Quảng Bình - nơi có 2 trung tâm Vì sự tiến bộ của phụ nữ thuộc Duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long.

Cuộc chiến chống bạo lực gia đình vẫn đang tiếp diễn. Dù còn không ít chông gai, nhưng những gam màu tươi sáng mà nhiều phụ nữ, trẻ em từng sống dưới Ngôi nhà Bình yên đang có được chính là động lực mạnh mẽ thôi thúc những người đang ngày đêm chiến đấu vì sự bình đẳng giới tiếp tục nỗ lực nhiều hơn. Đó cũng giống như lời nhắn nhủ, khích lệ niềm tin dành cho mỗi mảnh đời bất hạnh: Cuộc sống này sẽ không lấy đi của ai tất cả mọi thứ. Chúng ta rồi sẽ tìm lại được còn nhiều hơn những thứ mà mình đã mất.

Kết quả Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình của Tổng cục Thống kê chỉ ra, có tới 58% phụ nữ từng kết hôn bị ít nhất một hành vi bạo lực gia đình, trong đó có 5% phụ nữ đang mang thai. Khoảng 1/4 số phụ nữ có con cho biết con họ từng là nạn nhân của bạo lực thể xác do chồng gây ra. 1/2 số phụ nữ bị bạo hành không nói với bất cứ ai và 87% không tìm đến sự giúp đỡ của các cấp có thẩm quyền.