An toàn lao động khu vực phi chính thức vẫn bị buông lỏng

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 13/3, Đoàn giám sát của Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội làm việc với huyện Thạch Thất và một số đơn vị của Hà Nội về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; 10 năm thực hiện Nghị quyết số 18/2008/QH12 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi làm trưởng đoàn; cùng dự có đồng chí Bùi Huyền Mai, Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội.
Theo báo cáo của UBND huyện Thạch Thất, trong 3 năm 2016 – 2018, trên địa bàn huyện đã xảy ra 50 vụ tai nạn lao động, trong đó có 5 vụ làm chết 5 người, 45 vụ làm bị thương 46 người. Trong các vụ tai nạn lao động có 42 lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, so với giai đoạn 2013 – 2015, tăng 17 vụ và tăng 3 người chết. Số người bị tai nạn lao động được hưởng trợ cấp 01 lần là 07 người với tổng số tiền 235 triệu đồng, số người được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng 14 người với tổng số tiền hơn 71 triệu đồng.
 Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi phát biểu tại buổi làm việc.
 Thay mặt đoàn giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đánh giá công tác tuyên truyền đối với an toàn vệ sinh lao động và thực hiện Nghị quyết số 18 bước đầu đã tạo chuyển biến nhận thức cho người dân, người lao động, tạo hiệu quả.
Bên cạnh đó, ông Bùi Sỹ Lợi ghi nhận công tác an toàn vệ sinh lao động có chiều sâu, trong đó 42 lao động làm việc không theo hợp đồng lao động bị tai nạn đều được hưởng trợ cấp 1 lần hoặc trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân bằng công nghệ thông tin của huyện Thạch Thất đạt 92%, ngoài ra huyện còn quan tâm khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi…
Nêu ra một số vấn đề đối với thực hiện an toàn vệ sinh lao động, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng mặc dù công tác tuyên truyền và thực hiện chính sách lao động đã được quan tâm song công tác này còn đang bị buông lỏng đối với khu vực lao động phi chính thức. Đây chính là tồn tại trong việc thực hiện chính sách về an toàn lao động. Vì thế, cần tập trung tổ chức tập huấn tuyên truyền bằng nhiều hình thức cho lao động làm việc không theo hợp đồng. Cùng với đó, cần phải quan tâm hơn nữa việc giải quyết chính sách cho các đối tượng bị tai nạn lao động.
Đáng chú ý, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng vì còn rất nhiều áp lực nên công tác quản lý nhà nước đối với an toàn vệ sinh lao động còn bị lơi là nên tính tuân thủ pháp luật còn kém, đặc biệt là ở khu vực không có quan hệ lao động. Tai nạn lao động là nguy cơ tiềm ẩn sau tai nạn giao thông. Phải điều tra các vụ tai nạn lao động để rút ra nguyên nhân, có biện pháp phòng ngừa. Ngoài ra, tránh “bỏ trống” công tác vệ sinh môi trường, kiểm định môi trường, khám định kỳ cho người bị bệnh nghề nghiệp...  
  Đoàn giám sát đã làm việc với Công ty CP Vicostone (khu Công nghệ cao Hòa Lạc) về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Về thực hiện sắp xếp các đơn vị y tế, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng cần phải có có hướng dẫn cụ thể, xây dựng đề án vị trí việc làm chi tiết trên cơ sở đó sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị để đáp ứng yêu cầu, tránh tình trạng tổ chức sát nhập mà mất chức năng, nhiệm vụ. Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa cần phải nghiên cứu, đặc biệt phải hướng tới tinh thần vì Nhân dân phục vụ. Ngoài ra, cũng cần lưu ý cần đẩy mạnh thực hiện hồ sơ theo dõi sức khỏe Nhân dân; cải cách thủ tục hành chính trong công tác khám chữa bệnh. Đặc biệt, cần quan tâm đến cải cách thu nhập tiền lương trong ngành y để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Chiều cùng ngày, Đoàn giám sát đã làm việc với Công ty CP Vicostone (khu Công nghệ cao Hòa Lạc) về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất về thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân tại bệnh viện.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần