Lao động ngành điện tử: Tay nghề thấp, dễ mất việc

PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lao động trong ngành điện tử ngày càng tăng, nhưng có tới gần 69% không bằng cấp, chứng chỉ, khiến cơ hội và chất lượng việc làm bị ảnh hưởng.

Đây là vấn đề được đề cập tại tọa đàm “Thúc đẩy việc làm bền vững tại các DN điện tử ở Việt Nam” do Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) tổ chức sáng 31/1.
 Người lao động trả lời phỏng vấn tại Trung tâm giao dịch việc làm Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội Đào Quang Vinh cho biết, DN điện tử ở Việt Nam trong 10 năm qua phát triển mạnh, từ 307 DN (năm 2006) lên 1.165 DN (năm 2015). Những DN quy mô nhỏ (10 – 200 lao động) chiếm tỉ lệ cao nhất, DN quy mô trên 300 lao động đang có xu hướng tăng. “Sự phát triển của ngành điện tử Việt Nam chủ yếu do đã thu hút được đầu tư lớn từ các tập đoàn đa quốc gia, nhất là các tập đoàn đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, đặc biệt ở lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử” - ông Vinh nhấn mạnh.

Sự tăng trưởng mạnh của các DN điện tử đã thu hút 453.181 lao động làm việc trong năm 2016, trong đó có 68,95% lao động nữ và 86,67% lao động có độ tuổi dưới 35. Tuy nhiên, trình độ chuyên môn của người lao động (NLĐ) lại không cao, 68,75% chưa có bằng cấp, chứng chỉ.
Theo Chánh Thanh tra Bộ LĐTB&XH Nguyễn Tiến Tùng, qua thanh tra tại 216 DN hoạt động trong lĩnh vực điện tử năm 2017, đã phát hiện 1.794 sai phạm, bình quân 8 sai phạm/DN. Các hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật lao động, đoàn thanh tra đã lập biên bản vi phạm hành chính 27 DN, xử phạt hành chính 1.418,2 triệu đồng. Kết quả thanh tra cũng chỉ ra, các DN thường gặp những sai phạm trong lĩnh vực điện tử, như: Nội dung hợp đồng chưa thể hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động và NLĐ; không thực hiện định kỳ đối thoại tại nơi làm việc 3 tháng/lần; 60% DN vi phạm huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá thời gian quy định…
Điều này khiến 80% DN điện tử gặp khó trong tuyển dụng lao động kỹ thuật.

Tuy thu nhập bình quân tháng/lao động ngành điện tử trong khu vực FDI cao hơn so với DN điện tử chung và các ngành khác, chênh lệch tiền lương của nhóm cao nhất và thấp nhất từ 2 đến 2,9 lần, nhưng có tới 80% NLĐ phải làm thêm giờ. Đáng chú ý, hơn 68% NLĐ làm trong DN điện tử chỉ ký hợp đồng lao động từ 3 tháng đến dưới 3 năm. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều lao động sau tuổi 35 có nguy cơ bị sa thải.

Viện Khoa học Lao động và Xã hội cũng chỉ ra thách thức về lao động ngành điện tử trong tương lai. Đó là thiếu lao động qua đào tạo, lao động có kỹ năng không phù hợp và bị già hóa. Để thúc đẩy việc làm bền vững trong ngành điện tử, Viện này khuyến nghị NLĐ cần được đào tạo tại DN để trang bị kỹ năng. Về phía các DN điện tử đảm bảo an ninh việc làm, tránh sa thải tùy tiện NLĐ sau tuổi 35; đồng thời tham gia đào tạo phát triển kỹ năng phù hợp với kỷ nguyên và công nghệ mới. DN cũng cần có vai trò trong việc cung cấp môi trường lao động an toàn và sức khỏe, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động…

Nhiều chuyên gia cho rằng, để tránh xu hướng sa thải NLĐ tuổi sau 35, cần có cơ chế chính sách chứ không thể trông chờ vào DN. Chẳng hạn, DN càng sa thải nhiều NLĐ ở độ tuổi thấp thì phải chịu thuế bảo hiểm cao. Lại cũng có ý kiến đề nghị, NLĐ làm trong lĩnh vực điện tử bao gồm cả lao động chất lượng cao. Tuy nhiên, cơ chế chính sách hiện nay chưa theo kịp các DN FDI. Vì thế, muốn thúc đẩy việc làm bền vững phải có chế độ đãi ngộ cho NLĐ để thu hút người giỏi vào làm cho DN Việt Nam.